Người dân xã Bình Giang áp dụng chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 740 ổ dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi, tại 30/34 tỉnh, thành phố. Số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy trên 53.000 con (hiện còn 27 tỉnh, thành phố có ổ dịch chưa qua 21 ngày).
Dịch bệnh có chiều hướng gia tăng và nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh An Giang là rất cao, do đường lây nhiễm phức tạp, chăn nuôi nhỏ lẻ, bệnh chưa có thuốc điều trị nên tỷ lệ heo nhiễm bệnh chết lên đến 100%, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, CPI, nguồn cung thực phẩm và môi trường.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang đề nghị các địa phương thực hiện rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi cấp xã, phường, đặc khu, cơ cấu đủ thành phần, phân công cụ thể nhiệm vụ, chế độ thông tin báo cáo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai đồng bộ giải pháp ứng phó theo các tình huống, đặc biệt nơi có nguy cơ cao, tuyến biên giới; không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Đẩy mạnh truyền thông sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả heo Châu Phi, nguy cơ, biện pháp phòng ngừa, quy trình khai báo, xử lý, chính sách hỗ trợ thiệt hại và “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt.
Cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm chăn nuôi an toàn sinh học bằng: Cách ly + Vệ sinh tiêu độc + tiêm vắc xin cho đàn heo.
Tin và ảnh: THÙY TRANG