Lấy ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự

07/10/2021 - 06:30

 - Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) số 101/2015/QH13. Qua đó, bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) liên quan đến TTHS, bảo đảm chính sách hình sự thống nhất và giải quyết ngay vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Tăng cường vai trò công an cấp xã

Ngày 27-11-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Qua nghiên cứu, rà soát, đối chiếu, xin ý kiến các bộ, ngành cho thấy, quy định tại Khoản 1, Điều 155 và Khoản 8, Điều 157 Bộ luật TTHS chưa tương tích với Điểm g, Khoản 6, Điều 18.77 Hiệp định CPTPP (việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần yêu cầu của người bị hại). Từ đó, đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi này tại Khoản 1, Điều 155 và Khoản 8, Điều 157 Bộ luật TTHS. Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP và bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết 72/2018/QH14.

Bên cạnh đó, Viện KSND tối cao nhận thấy, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an) trong Bộ luật TTHS là cần thiết. Qua đó, tăng cường vai trò của công an xã, kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho Cơ quan điều tra công an cấp huyện, giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 từ địa bàn cấp cơ sở. Điều này đặt ra việc phải sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 146 Bộ luật TTHS để đáp ứng thực tiễn nêu trên.

Thời gian qua, do tình hình thiên tai, một số địa phương gặp hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do lũ lụt, phải di chuyển người dân, di chuyển nơi làm việc, nơi sinh hoạt đến địa điểm an toàn. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa cục bộ theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc kiểm tra, xác minh vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, việc tiến hành hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra và việc tiến hành hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của cơ quan có thẩm quyền bị trì hoãn, kéo dài, do không thể thực hiện được hoạt động cần thiết để xác định hành vi phạm tội, người phạm tội để quyết định việc khởi tố; để chứng minh tội phạm kết thúc điều tra hoặc để quyết định việc truy tố.

Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để có căn cứ ra các quyết định trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án hình sự). Cơ quan điều tra không thể kết luận điều tra đề nghị truy tố; viện kiểm sát không thể ban hành cáo trạng để chuyển vụ án sang tòa án, vì chưa đủ căn cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội, không thể xử lý tình huống bằng cách ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án do không có căn cứ. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 148; Khoản 1, Điều 229 và Khoản 1, Điều 247 Bộ luật TTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.

Do vậy, Viện KSND tối cao thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung 2 khoản này, theo hướng bổ sung: căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; căn cứ tạm đình chỉ điều tra; căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Cũng theo Viện KSND tối cao, các nội dung sửa đổi, bổ sung đều thuộc trường hợp có thể xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và có cơ sở tham gia đóng góp ý kiến vào các phiên thảo luận của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật, từ ngày 23-9 đến 12-10-2021. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS nằm trong 7 luật được lấy ý kiến tại kỳ họp. Việc lấy ý kiến được tổ chức rộng rãi trong các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, phát huy tính dân chủ trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý, áp dụng luật ngày càng đồng bộ, hiệu quả; quan tâm phát huy khả năng của đội ngũ chuyên gia, hiệp hội ngành nghề có liên quan trên địa bàn tỉnh đóng góp cho các dự án luật.

NGUYỄN HƯNG

 

Liên kết hữu ích