Lễ cưới vui như Tết của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

24/03/2024 - 08:27

 - Văn hóa đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) còn mang tính cộng đồng rất đậm nét. Vì thế, trong mỗi dịp lễ quan trọng, quy mô từ gia đình đến cả phum sóc đều chung không khí nhộn nhịp, rộn ràng.

Lễ cưới của đôi bạn trẻ: Cô dâu Néang Srây Ône và chú rể Chau Bô Na diễn ra ở ấp Tô Thuận, xã Núi Tô (huyện Tri Tôn) đã phần nào cho người tham dự trải nghiệm sắc màu độc đáo trong văn hóa truyền thống của bà con Khmer vùng Bảy Núi.

Không gian nhà rộn ràng vui như Tết, đông đúc người già, trẻ nhỏ từ ngõ trước đến sau hè, ai cũng đến phụ một việc, từ nấu nướng đến chuẩn bị các thủ tục, lễ vật, món ngon đãi khách...

Từ đêm nhóm họ, trong xóm đã xập xình tiếng nhạc, người lớn lo chuẩn bị lễ vật, món ăn đãi khách; bạn bè cô dâu và hàng xóm đến chung vui, điệu múa lâm thôn nối tiếp nhau không ngớt.

Sáng hôm sau, không khí càng rộn ràng hơn, trong nhà, các nghi thức diễn ra trang trọng với sự chứng kiến của bà con dòng họ. Các nghi lễ được thực hiện dưới sự điều khiển của chủ lễ, là người hiểu biết về những tập tục truyền thống và có địa vị trong cộng đồng.

Tình làng nghĩa xóm và cả tấm lòng mừng cho đôi trẻ đã nên duyên, ai cũng tất bật chuẩn bị để có đầy đủ lễ vật một cách tươm tất nhất.

Bên ngoài, rất nhiều người đến phụ các việc cho lễ cưới… rộn ràng trong suốt buổi sáng. Cách họ chăm chút trong từng công việc cũng đủ để người chứng kiến cảm nhận sự trang trọng, rằng ngày cưới không chỉ là sự kiện quan trọng của cô dâu, chú rễ, mà còn là niềm vui chung của cả xóm.

Các thủ tục chính thức diễn ra trong lễ đường, thì bên ngoài dàn nhạc lễ cũng xướng lên đồng điệu, phụ họa làm không gian càng vui tươi.

Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer theo chế độ mẫu hệ. Vì vậy, trong đám cưới sẽ có nghi thức đón chú rễ về nhà đàn gái.

Không chỉ gia đình, tất cả mọi người đều tham dự, chứng kiến và chúc phúc cho đôi uyên ương. Đám cưới của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer diễn ra không thể thiếu các nghi lễ quan trọng, như: Cúng ông tà, buộc chỉ, cắt tóc, mời sư đến cầu nguyện, lạy cha mẹ, trao nhận lễ vật, của hồi môn…

Bữa tiệc đãi khách và điệu múa lâm thôn trên nền nhạc đệm quen thuộc sẽ kết thúc ngày cưới. Đây cũng là dịp để những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer được lưu giữ và lan tỏa trong cộng đồng.

MỸ HẠNH