Đại lễ Vu lan được tổ chức trang nghiêm.
Với nhiều hoạt động giáo dục giàu ý nghĩa, lễ Vu lan đã trở thành nét đặc trưng trong văn hóa tâm linh của mỗi người dân ở vùng đất Cố đô.
Tại Tổ đình Từ Đàm, phường Trường An, thành phố Huế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đã long trọng tổ chức Đại lễ Vu lan - Phật lịch 2566. Từ sáng sớm, đông đảo tăng ni, phật tử đã đến đây để tham dự lễ và được nghe giảng về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu, đạo làm người, tinh thần hướng Phật.
Trong không khí trang nghiêm, hương trầm quyện tỏa, chuông trống bát nhã trầm hùng, các chư tôn đức và đông đảo tăng ni, phật tử đã dâng hương cầu nguyện. Ngay sau Đại lễ chính thức đã diễn ra Pháp hội cúng dường trai tăng với sự tham dự của hơn 1.200 tăng ni, nguyện cầu Tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, âm siêu dương thái.
Chị Đỗ Thị Thu Thủy, phường Vĩ Dạ, thành phố Huế chia sẻ, mỗi mùa Vu lan gia đình chị lại cùng nhau lên Tổ đình Từ Đàm để tham dự lễ và cầu nguyện cho các hương linh được siêu thoát, đất nước được bình an; cầu mong cho các bậc sinh thành sức khỏe và gia đình, con cháu bình an.
Xuất phát từ sự tích Tôn giả Mục Kiền Liên vào địa ngục cứu mẹ thoát khỏi chốn u đồ, sau này hình thành nên quan niệm Vu lan là mùa báo hiếu và cũng trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là dịp nhắc nhở mọi người về công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và tri ân những người có công với đất nước.
Thông bạch về Đại lễ Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2566 Dương lịch 2022 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu rõ "với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam chúng ta, ngày lễ Vu lan của Đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày rằm tháng Bảy âm lịch hình thành lễ hội Vu lan - báo hiếu.
Mùa Vu lan - báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đây là thời gian để mỗi người thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu, hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà và những người thân yêu, đồng thời cũng là thời gian tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng dân tộc, Anh hùng Liệt sĩ, Tổ tiên, Cửu huyền thất tổ của các gia đình trong toàn xã hội".
Tại Thừa Thiên - Huế, Đại lễ Vu lan năm nay diễn ra từ ngày 11 - 15 tháng 7 năm Nhâm Dần ( nhằm ngày 8-12/8/2022) với nhiều nghi lễ truyền thống của Phật giáo Cố đô như Lễ khai kinh và tụng kinh, tụng kinh Vu lan và Báo ân, lễ Tứ Tự, lễ Cúng ngọ và hoàn kinh…Vu lan ở Huế là lễ hội lớn thứ hai sau lễ Phật Đản.
Dịp này, đồng loạt các tổ đình, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường tại các huyện, thị trong tỉnh trang hoàng cờ hoa, thỉnh chuông, tụng kinh, nhằm nhắc nhở phật tử, nhất là các thanh, thiếu niên, nhi đồng biết rõ công ơn to lớn của đấng sinh thành, dưỡng dục. Tại các chùa lớn như chùa Bảo Quốc, Từ Hiếu, Tổ đình Tường Vân, Tượng Phật Bà Quan Âm… hàng nghìn người dân đến cầu nguyện, thắp nén hương để bày tỏ lòng thành kính cũng như tham dự lễ Vu lan.
Tại các chùa, cơ sở thờ tự Phật giáo tại Huế cũng tổ chức lễ thắp nến tri ân và cài hoa hồng; lễ cầu siêu cho các hương linh, cửu huyền thất tổ của các gia đình và anh linh các Anh hùng Liệt sĩ được siêu sanh Phật quốc theo nghi lễ trang nghiêm, truyền thống của Phật giáo xứ Huế.
Đặc biệt, dịp Vu lan không thể thiếu những buổi lễ "Cài hoa hồng lên áo", giúp phật tử dấy lên lòng kính trọng cha mẹ. Bông hồng đỏ được cài lên áo cho những ai còn cha còn mẹ, như một lời cảm tạ, báo đáp công sinh thành vừa là lời nhắc cần phải tận hiếu khi mẹ cha còn. Bông hồng trắng cho ai đã mất mẹ, cha. Mỗi bông hồng như chất chứa tất thảy tâm tư của những người con trong dịp lễ Vu lan.
Chị Lê Thị Phương, thị xã Hương Thủy chia sẻ, chị rất hạnh phúc và may mắn khi được cài lên ngực mình bông hoa hồng đỏ. Không phải đến ngày Vu lan mình lên chùa cầu khấn là báo hiếu mà đây là dịp nhắc nhở con cháu phải tận tâm chăm sóc, yêu thương cha mẹ. Thường đến ngày này, gia đình chị luôn tổ chức bữa cơm gia đình để con cháu quây quần với ông bà.
Tại Thừa Thiên - Huế, lễ Vu lan cũng là ngày mà nhiều người dân Cố đô đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố, dù không đông bằng ngày Tết cổ truyền. Rằm tháng 7 năm nay, gia đình chị Phan Minh Nga, phường Phú Hội, thành phố Huế lại đến Nghĩa trang thành phố Huế để viếng mộ và thắp hương cho ông bà tổ tiên. Chị Nga cho biết, dịp Vu lan cả nhà thường đến đây để viếng mộ thành kính dâng lên ông bà nén tâm hương. Đây là dịp để hướng về cội nguồn, nhắc nhở con cháu về đạo hiếu và hiếu hạnh với ông bà tổ tiên.
Pháp hội cúng dường trai Tăng.
Phật giáo không chỉ trở thành nền tảng tinh thần của cư dân xứ Huế mà còn được xem là một trong những thành tố quan trọng, tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Dấu ấn văn hóa Phật giáo đã in đậm và ăn sâu vào tâm thức mỗi người dân trên đất Cố đô. Một mùa Vu lan nữa lại về, càng nhắc nhở mỗi một người cần hướng tới việc thiện lành, phải thực hành hiếu nghĩa và sống đức độ trong cộng đồng xã hội.
Theo TƯỜNG VI (TTXVN)