Không khí giàu ozone (màu đỏ) tràn ngập bầu khí quyển ở Bắc Cực vào ngày 23-4, đóng lỗ thủng tầng ozone lớn nhất từng được phát hiện ở Bắc Cực.
Tầng ozone là một phần của bầu khí quyển trái đất che chắn hành tinh khỏi bức xạ cực tím. Ở Bắc Cực, lần đầu tiên phát hiện ra lỗ thủng tầng ozone vào cuối tháng 3 trong điều kiện gió bất thường khiến không khí lạnh kéo dài trong vài tuần liên tiếp.
Những cơn gió được gọi là “cơn lốc cực”, đã tạo ra một lồng không khí lạnh hình tròn dẫn đến sự hình thành của các đám mây trên cao trong khu vực. Theo các tuyên bố từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), các đám mây trộn lẫn với các chất ô nhiễm nhân tạo như clo và brom, ăn mòn khí ozone xung quanh làm hình thành một lỗ lớn gấp ba lần kích thước của Greenland trong bầu khí quyển.
Các nhà nghiên cứu ESA cho biết, lỗ thủng tầng ozone thường lớn nhất vào mỗi mùa thu ở Nam Cực, trong khi đó, ở Bắc Cực ít có các điều kiện cho phép lỗ này hình thành. Năm nay, lần đầu tiên xuất hiện lỗ thủng tầng ozone Bắc Cực vì không khí lạnh tập trung ở khu vực này lâu hơn nhiều so với thông thường.
Theo các nhà nghiên cứu của Expedia, cuối tuần trước, “cơn lốc cực” đã bị phân tách, tạo ra một con đường cho không khí giàu ozone bay trở lại khu vực phía trên Bắc Cực.
Nhà khoa học khí quyển Martin Dameris, tại Trung tâm hàng không vũ trụ Đức nói: “Hiện tại, có quá ít dữ liệu để chứng minh liệu các lỗ thủng ozone ở Bắc Cực như thế này có đại diện cho một xu hướng mới hay không. Theo quan điểm của tôi, đây là lần đầu tiên tồn tại một lỗ thủng tầng ozone thực sự ở Bắc Cực”.
Trong khi đó, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đã tồn tại khoảng bốn thập kỷ. Các nhà khoa học lạc quan rằng lỗ thủng này đang khép dần lại. Theo đánh giá năm 2018 của Tổ chức Khí tượng Thế giới, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đã thu hẹp khoảng từ 1% đến 3% mỗi thập kỷ kể từ năm 2000. Tuy nhiên, nó không thể khép kín hoàn toàn trước năm 2050.
Theo HOÀNG DƯƠNG (Báo Nhân Dân)