Ảnh minh họa. Nguồn: BBC
Hiện tượng thời tiết kỳ lạ và đôi khi nguy hiểm này được gọi là “Föhn”, trong tiếng Đức có nghĩa là "máy sấy tóc". Và đúng như tên gọi, nó là một cơn gió nóng, khô có thể khiến nhiệt độ tăng cao.
Đài BBC (Anh) đưa tin năm nay, gió "máy sấy tóc" đã xảy ra nhiều lần, kể cả trong các đợt nắng nóng. Một ví dụ là gió Föhn có liên quan đến nhiệt độ 390C vào đầu tháng này tại Đông Nam Đài Loan (Trung Quốc). Và một số ý kiến nhận định rằng Föhn đã góp phần tạo ra tình trạng khô hạn, “thổi bùng thêm” vụ cháy rừng tàn khốc ở Maui, Hawaii, khiến ít nhất 106 người thiệt mạng.
Föhn còn xuất hiện cả ở những nơi lạnh giá như Nam Cực. Tại những khu vực này, Föhn có thể góp phần làm các thềm băng sụp đổ nhanh chóng. Föhn được cho đã “ đẩy một lượng băng đáng kể" ra khỏi bờ biển Greenland vào năm 2018.
Bà Liz Bentley, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia Anh cho biết: “Thông thường, cần núi hoặc một dãy đồi để hiệu ứng Föhn xảy ra”. Bà giải thích rằng gió ẩm đi lên từ một bên của ngọn núi khi tiếp xúc với không khí mát hơn sẽ khiến hơi ẩm ngưng tụ lại hình thành mây hoặc mưa ở gần hoặc trên đỉnh núi. Điều này giải phóng năng lượng vào khí quyển, khiến nhiệt độ không khí tăng lên.
Sau đó, gió đẩy xuống phía bên kia núi với Mặt Trời góp phần tăng thêm nhiệt cho nó. Nhiệt độ không khí có thể tăng 100C trở lên. Vào năm 1972 ở Mỹ, hiện tượng gió Föhn ở Loma, bang Montana, đã đẩy nhiệt độ địa phương tăng từ -480C lên 90C chỉ trong 24 giờ. Một hiện tượng tương tự xảy ra vào tháng 1/2020 ghi nhận nhiệt độ ở Cut Bank, bang Montana, tăng 290C chỉ trong một giờ.
Lửa bốc lên ngùn ngụt tại đám cháy rừng gần Prodromos, cách thủ đô Athens của Hy Lạp 100km về phía Đông Bắc, ngày 21/8. Ảnh: AFP/TTXVN
Một nghiên cứu kéo dài 30 năm ở phía Nam dãy núi Appalachian ở Bắc Mỹ cho thấy gió Föhn khiến nhiệt độ tăng ít nhất 30C so với các địa điểm gần đó không bị ảnh hưởng.
Thuật ngữ Föhn xuất phát từ vùng Alpine của châu Âu nhưng hiện tượng tương tự đã được đặt nhiều cái tên khác nhau ở những địa điểm khác trên thế giới. Ở các vùng của Mỹ, chẳng hạn như ở dãy núi Rocky và Alaska, chúng được gọi là gió Chinook.
Tại Argentina, hiệu ứng Föhn được gọi là Zonda, trong khi ở Nam Phi là Bergwind. Người Valencia (Tây Ban Nha) gọi nó là Ponentà. Và ở Anh, Föhn xuất hiện ở dãy Pennines được người dân địa phương gọi là gió Helm. Tất cả chúng có thể được phân loại là bão gió xuống dốc. Nhà khí tượng học Jim Overland tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết hiện tượng này có nguy cơ trầm trọng hơn trong những năm tới, bởi khí hậu biến đổi sẽ dẫn đến nhiều đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn.
Cảnh đổ nát sau thảm họa cháy rừng tại Lahaina, Maui, Hawaii, Mỹ, ngày 16/8. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngày 8/8, một trận cháy rừng kinh hoàng, được Thống đốc Hawaii Josh Green mô tả là "cơn bão lửa", đã quét qua thị trấn ven biển nổi tiếng Lahaina ở Maui. Sự kết hợp của nhiều yếu tố đã tác động khiến đám cháy bùng phát. Theo một số chuyên gia, hiệu ứng Föhn có lẽ cũng là một phần nguyên nhân.
Ông Craig Clements, giám đốc Trung tâm nghiên cứu liên ngành cháy rừng tại Đại học bang San José, bang California, nhận định gió Föhn thực sự có thể đã hoạt động ở Hawaii. Nhưng ông cũng lưu ý rằng đám cháy Lahaina phần lớn được hình thành bởi gió mạnh trên toàn khu vực vào thời điểm đó.
Theo ông Clements, Föhn thường xuất hiện cùng với các vụ cháy rừng nghiêm trọng. Ông lấy các ví dụ ở California (Mỹ) và Hy Lạp. Ông Clements còn nhấn mạnh một điều mà mọi người không nhận ra là nó có thể làm khô cỏ. Điều này rất nguy hiểm bởi đám cháy có thể lan rất nhanh trên cỏ.
Föhn có thể có tác động mạnh mẽ đến thời tiết và hỏa hoạn ở một số nơi nhất định, và điều quan trọng là phải nhận thức được những rủi ro mà chúng gây ra. Bà Bentley nói: “Bạn không thể làm gì để ngăn gió” và điều quan trọng là phải chuẩn bị, đặc biệt nếu có nguy cơ nhiệt độ cao nguy hiểm hoặc cháy rừng.
Theo TTXVN