Kho bãi chứa container tại Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Xanh hóa ngành logistics hiện nay không chỉ là trách nhiệm mà còn là động lực và yêu cầu bức thiết để thúc đẩy các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistic nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn. Rất nhiều chuyên gia kinh tế và giới nghiên cứu trong lĩnh vực logistics có chung nhận định, trong bối cảnh hiện nay nếu các doanh nghiệp không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.
Ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho hay, logistics xanh vẫn đang là một khái niệm tương đối mới. Khái niệm và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động logistics xanh chưa được hiểu đầy đủ và chính xác. Vì vậy, để thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững tại Việt Nam, điều quan trọng là phải hiểu bản chất và vai trò của logistics xanh.
Cũng cần phải chỉ ra những thách thức trong việc xanh hóa ngành logistics của doanh nghiệp trong nước. Bởi theo ông Ngô Khắc Lê, do nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về yêu cầu xanh hóa ngành logistics đang rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp đang hiểu không đúng về khái niệm logistics xanh. Họ trồng cây, trồng hoa… trong doanh nghiệp và coi đó là logistics xanh. Hoặc các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại học theo cách làm logistics xanh của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chuyển đổi xanh đang là xu hướng và yêu cầu bắt buộc của mỗi doanh nghiệp, xong phải chọn giải pháp, phương án phù hợp với từng doanh nghiệp, lĩnh vực.
Thêm vào đó là thách thức về nguồn lực tài chính, về trình độ, năng lực cũng như vấn đề quản trị con người. Thứ yếu mới là vấn đề công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng.
Việc đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy nhanh và toàn diện quá trình xanh hóa ngành logistics cần phải được nhìn nhận rộng hơn, đưa ra các giải páp tổng thể, khó ở đâu gỡ ở đó. Đầu tiên là phải thay đổi nhận thức về khái niệm logistics xanh. Phải truyền thông liên tục, duy trì thường xuyên. Song chỉ truyền thông thì không đủ mà cần sự vào cuộc đồng hành hành của Chính phủ, các cơ quan quản lý, trong đó cần những chính sách cụ thể, rõ ràng, ví dụ như về chính sách thuế…
Ông Ngô Khắc Lê cũng đề xuất phải làm sao để khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn nữa giao thông đường thủy nội địa, đường ven biển… vừa tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, vừa giảm khí phát thải từ các phương tiện vận chuyển. Cùng đó, doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam mà là yêu cầu của cả thế giới về một xu hướng chung, do đó, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự tìm hiểu và tự cứu mình, vừa giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa xây dựng hình ảnh, thương hiệu đẹp, uy tín hơn với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, từ đó, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Minh, Chuyên gia nghiên cứu về logistics khuyến nghị, phát triển logistics xanh bao gồm nhiều hoạt động, như cải tiến các phương tiện vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu và thải ra môi trường khí thải độc hại, nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, chuyển đổi từ vận chuyển đường bộ sang đường thuỷ, đường sắt; sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường hoặc ít phát thải khí carbon và vận hành hệ thống vận tải một cách tối ưu là những giải pháp quan trọng để xanh hoá hoạt động vận tải. Thêm vào đó là xanh hóa hoạt động kho bãi, như thiết kế và xây dựng kho không chỉ yêu cầu đảm bảo lưu trữ an toàn cho hàng hóa như duy trì độ ẩm tốt, chống ăn mòn, chống thấm, chống biến dạng, chống bay hơi, không bị rò rỉ… mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Rồi đến xanh hóa hoạt động đóng gói; theo đó, công nghệ đóng gói sáng tạo sẽ giúp giảm thiểu tổn thất của sản phẩm trong quá trình vận chuyển, đồng thời giảm tác động đến môi trường.
Cuối cùng là xanh hoá hệ thống thông tin. Bởi một hệ thống thông tin hoàn hảo có thể tăng mức độ xanh hóa hoạt động logistics bằng việc cung cấp những thông tin thực tế về mặt thời gian và điều khiển một cách chính xác, tối ưu các hoạt động trong logistics như đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối, xếp dỡ, xử lý hàng tồn kho... nhằm tuân thủ các yêu cầu về kinh tế cũng như môi trường, tạo điều kiện cho việc thực hiện dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm môi trường.
Có thể thấy rằng, thiết lập một hệ thống logistics xanh là sự tích hợp lớn các hệ thống con khác nhau với nhiều kết nối và ràng buộc. Tất cả các hệ thống con trong mô hình đều có các vị trí và vai trò khác nhau. Hệ thống logistics xanh cũng không biệt lập mà cần có sự tương tác về thông tin và năng lượng với môi trường bên ngoài. Do đó, doanh nghiệp cần dành thời gian, đầu tư công sức nghiên cứu và ý chí quyết tâm chuyển đổi. Có như vậy, nỗ lực mới đem lại hiệu quả và hành trình xanh hóa ngành logistics mới nhanh đạt tới đích.
Theo TTXVN