Xuất phát từ Nhật Bản, lối sống tối giản ra đời như một cách ứng phó với môi trường tự nhiên lắm thiên tai, cuộc sống nhiều áp lực và chật chội ở các khu đô thị lớn. Trong quyển sách “Lối sống tối giản của người Nhật”, tác giả Sasaki Fumio đúc kết rằng, người Nhật luôn chịu đựng rất nhiều trận động đất, chính vật dụng trong nhà khi đó sẽ là vật gây nguy hiểm. Sau động đất, họ còn phải tốn một khoản tiền rất lớn để mua sắm lại đồ dùng.
Do vậy, họ bắt đầu nghĩ đến việc hạn chế mua sắm đồ đạc để rũ bớt gánh nặng phải mua chúng, bảo quản, sắp xếp và nhớ đến sự tồn tại của chúng. Việc không chú trọng vào vật chất cũng giúp người ta tiết kiệm thời gian để tận hưởng cuộc sống và cảm thấy hạnh phúc, tự do hơn.
Thế giới đang đi qua những ngày tàn phá khốc liệt của dịch bệnh COVID-19. Có lẽ, chưa bao giờ nhân loại phải nghĩ đến một nửa dân số trên thế giới phải ở nhà phòng, chống dịch bệnh và hàng triệu người giành giật cuộc sống trong phòng áp lực âm, khu cách ly hay bệnh viện dã chiến. Do vậy, nâng cao ý thức phòng dịch bệnh, thay đổi thói quen, lựa chọn lối sống tối giản là cần thiết.
Bởi, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19 hoặc người nghi nhiễm, nên duy trì sinh hoạt trong phòng cách ly sạch sẽ, đơn giản, ít đồ đạc để đảm bảo không khí thông thoáng và hạn chế sự xâm nhiễm virus lên các vật dụng xung quanh. Không chỉ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà trong hầu hết các khuyến cáo của ngành y tế, thói quen gọn gàng, thường xuyên vệ sinh chăm sóc nhà cửa sẽ giúp các bậc phụ huynh phòng được rất nhiều bệnh ở trẻ nhỏ như: sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, thủy đậu, viêm đường hô hấp, viêm da dị ứng, tiêu chảy…
Sống tối giản tạo nên nhiều không gian thoáng đãng
Qua công tác truyền thông và các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều gia đình đã có thói quen giữ gìn vệ sinh từ nhà cửa, không gian sống đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo các nhân viên Dịch vụ vệ sinh công nghiệp Sáng Xanh, có rất nhiều gia đình bỏ qua những bề mặt vật dụng ủ bụi lâu ngày như: mặt sau của các bức tranh, đồng hồ treo tường, kệ sách, gầm giường, nệm ngủ, mặt dưới ghế sofa, quạt điện hay tất cả bề mặt của những vật dụng ít khi được dùng đến, bị bỏ mặc ở nhiều nơi trong nhà. Do vậy, một là khi sử dụng đồ vật trong nhà, khách cần vệ sinh định kỳ; hai là phải nghĩ đến việc tinh giản để không tạo điều kiện cho bụi bẩn, nấm mốc phát triển, gián, chuột, ruồi, muỗi ẩn nấp.
Chị Nguyễn Thanh Hoa (cư dân Chung cư Firsthome, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ: “Trước đây, tôi là người rất thích mua sắm, có gì hay hay là mua về nhà, từ vật dụng tiện ích gia đình đến đồ dùng, đồ chơi trẻ con như: nôi, các loại xe. Chỉ sau 1 năm, căn hộ gần 50m2 của gia đình trở nên chật chội đến khó sinh hoạt. Vô tình đọc được bài viết về lối sống tối giản, tôi ngẫm nghĩ rồi tiếc rẻ đồ dùng mua sắm thời gian qua. Qua “đấu tranh tư tưởng”, tôi quyết định “thanh lý”, tặng, bán rẻ, bỏ bớt đồ dùng trong nhà.
Hiện tại, phòng khách tôi chỉ còn mỗi chiếc bàn ăn thấp, còn lại là không gian trống để có chỗ chơi đùa cho con trẻ, phòng ngủ thì chỉ có mỗi nệm, mền được cuộn lại mỗi ngày, 1 chiếc tủ quần áo cao đến tận trần nhà để cất gọn hết tất cả quần áo, đồ dùng ít dùng đến. Nhà bếp cũng không còn nhiều loại bếp, dụng cụ mà cả năm chưa đụng đến một lần. Nhờ vậy, việc lau nhà cửa giờ dễ dàng hơn vì ít còn ngóc ngách do đồ vật tạo nên”.
Nhiều bạn trẻ theo lối sống tối giản còn nhận ra rằng, dường như bản thân lãng phí rất nhiều tiền của theo đuổi việc mua sắm quần áo, giày dép, nội thất, hàng công nghệ mà về chỉ dùng 1 lần rồi sau quên lãng sự hiện hữu của chúng. Họ bắt đầu nghĩ đến việc sẻ chia đồ dùng cho người nghèo khó đang rất cần chúng. Từ tư duy buông bỏ mà nhiều người học được cách sống tiết kiệm, yêu thương, sẻ chia và hơn hết là ý thức hơn việc chăm sóc gia đình. Sống tối giản ở đây không phải là kham khổ, khắc nghiệt mà tinh giản, chỉ sắm sửa những thứ thật sự cần thiết phục vụ đời sống gia đình. Tất cả tạo nên sự tiện nghi, thoái mái, dễ dàng lau dọn để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG