TP. Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật của tỉnh An Giang, có vai trò quan trọng trong vùng ĐBSCL và cả nước (dân số đứng thứ 2 vùng ĐBSCL, chỉ sau TP. Cần Thơ).
Hiện nay, thành phố có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 11 phường, 2 xã; tổng diện tích tự nhiên 11.496,44ha, dân số thường trú năm 2019 là 272.229 người.
Địa phương có vị trí chiến lược trong vùng, là điểm giao thoa giữa 2 khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và Tứ giác Long Xuyên; nằm trong trung tâm của vùng tam giác phát triển (bao gồm TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia) và nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế, quốc gia.
Có lợi thế kết nối thuận lợi với các vùng của quốc gia, quốc tế bằng đường bộ (Quốc lộ 91, cao tốc Bắc Nam phía Tây - cầu Vàm Cống) và đường thủy (sông Hậu). Đồng thời, thành phố cũng có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế có cảng Mỹ Thới cặp bờ sông Hậu...
Trong tương lai, TP. Long Xuyên hướng đến trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế, trung tâm thương mại - dịch vụ của tiểu vùng giữa đồng bằng tại khu vực phía Nam sông Hậu; là trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh An Giang, vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.
Thành phố đã và đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh đồng bộ các đề án quy hoạch tổng thể, nhất là quy hoạch chung xây dựng TP. Long Xuyên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo hướng mở rộng không gian đô thị sang huyện Thoại Sơn.
Theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 5 nhóm tiêu chí (gồm 59 tiêu chuẩn) để chấm điểm, đô thị được công nhận loại đô thị loại I khi các tiêu chí đạt mức tối thiểu và tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 75 điểm trở lên. Qua rà soát, đánh giá, đến thời điểm hiện tại TP. Long Xuyên đã đạt 5/5 tiêu chí, 54/59 tiêu chuẩn, tổng điểm 87,52/100 điểm.
Đối với tiêu chí 1 (vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị), Long Xuyên đạt 15,83/20 điểm. Tiêu chí 2 (quy mô dân số), đạt 6,5/8 điểm; tiêu chí 3 (mật độ dân số) đạt 4,5/6 điểm; tiêu chí 4 (tỷ lệ lao động phi nông nghiệp) đạt 6/6 điểm; tiêu chí 5 (trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị) đạt 54,69/60 điểm.
Trong đó, 39/59 tiêu chuẩn đạt ngưỡng tối đa, như: việc cân đối thu chi ngân sách; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2017-2019; tỷ lệ hộ nghèo; mật độ dân số khu vực nội thị trên diện tích đất xây dựng đô thị; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị mở rộng; tỷ lệ nhà kiên cố, khá kiên cố; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng…
Vừa qua, UBND TP. Long Xuyên trình Sở Xây dựng xem xét, thẩm định Đề án đề nghị công nhận TP. Long Xuyên mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Việc đề nghị công nhận TP. Long Xuyên mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I thuộc tỉnh An Giang là cần thiết, phù hợp với định hướng quy hoạch kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang.
Đây là cơ sở góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cấp vùng, xứng đáng là trung tâm tổng hợp của vùng ĐBSCL.
Hiện nay, TP. Long Xuyên đang hoàn chỉnh thủ tục trình các cấp có thẩm quyền, kỳ vọng trong quý III-2020 được Thủ tướng Chính phủ công nhận địa phương đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Trong giai đoạn này, địa phương vẫn tiếp tục đầu tư nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị, khắc phục các tiêu chuẩn còn yếu, đẩy nhanh sự phát triển toàn diện của thành phố trong tương lai.
GIA KHÁNH