Dự báo, trong năm 2019, 80% mục tiêu tấn công của tội phạm mạng khắp thế giới là nhằm vào các doanh nghiệp ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Chưa kể, trên mạng Internet còn có nhiều kẻ tuyên truyền, chống phá Nhà nước, nhiều thông tin sai trái, thậm chí là bịa đặt, khó kiểm chứng… Do đó, khi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2019, Luật An ninh mạng sẽ siết chặt hơn nữa các hoạt động trên môi trường mạng. Theo đó sẽ có thêm nhiều điều luật nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh mạng đồng thời sẽ xử phạt theo các quy định của pháp luật. Điều này cũng đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet phải hiểu về quyền và có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, để xây dựng xã hội số an toàn, an ninh hơn.
(Ảnh minh họa)
Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều đã được gần 87% tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua ngày 12-6-2018 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019. Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, không được sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet, trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet, vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng…
Luật An ninh mạng có một số điểm quy định nổi bật như phân tích của ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông IPS: "Trong Luật An ninh mạng có 2 lĩnh vực nổi bật rõ nhất: Đấy là vấn đề về tấn công mạng và một vấn đề tương đối mới là về dữ liệu và quyền riêng tư dữ liệu của người dùng.
Vấn đề dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng là vấn đề phát sinh mới không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Và vấn đề này cũng sẽ là một phần mới trong Luật An ninh mạng của Việt Nam. Ngoài vấn đề về tấn công mạng, các quy trình bảo vệ hệ thống hạ tầng thông tin và đi kèm với nó là trách nhiệm về báo cáo, thì trong Luật mới đề cập khá nhiều về phần thông tin, dữ liệu người dùng."
Trong thời gian qua, trên môi trường mạng, đặc biệt là các mạng xã hội vẫn có nhiều kẻ lợi dụng để truyền bá những thông tin xấu độc, cùng với những tin tức giả mạo, những phát ngôn thù ghét, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục,… thậm chí dẫn đến nhiều cái chết oan uổng. Ví dụ như nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai, bị tung clip riêng tư lên mạng, rồi bị hàng trăm, hàng nghìn bình luận ác ý, nên đã bồng bột tự tử, để lại sự đau xót cho gia đình. Núp dưới danh nghĩa là cá nhân, nhiều “anh hùng bàn phím” đã xuyên tạc sự thật xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, thậm chí tổ chức xúi giục, lừa gạt, lôi kéo thêm nhiều người chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… như giải thích của ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết: "Bởi vì các tài khoản sai trái đó lại núp dưới danh nghĩa là các tài khoản cá nhân, chưa kể là mức chế tài xử phạt quá thấp, không đủ sức răn đe. Chẳng hạn, một người người phát tán nội dung phản động bằng tờ rơi như kiểu truyền đơn, thì có thể bị đi tù từ 15 đến 20 năm, nhưng khi làm như vậy trên môi trường mạng, tác động đến hàng triệu người, thì cũng chưa có giải pháp và biện pháp nghiêm khắc để xử phạt, nên hiện tượng này đang tồn tại khá nhiều".
Sau 24h ngày 31-12-2018, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, những thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác… sẽ bị xử lý theo quy định. Ngoài ra, Luật An ninh mạng còn nghiêm cấm thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Các trường hợp lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi cũng bị xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng cùng các Luật, Nghị định khác. Trách nhiệm của các bộ như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng,.. sẽ được tăng cường hơn nữa, nhằm phát hiện và xứ lý các hành vi vi phạm; đồng thời hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng cũng được bảo vệ theo đúng pháp luật./.
Theo MAI HẠNH (VOV)