Lưu giữ hồn quê bằng những mô hình

22/12/2021 - 06:03

 - Tận dụng thời gian rảnh rỗi để tạo hình ngôi nhà “thu nhỏ” chính là sở thích của anh Cao Tấn Để (sinh năm 1988, công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh). Hơn 3 năm qua, anh Để cho “ra đời” nhiều mô hình tí hon, mô phỏng ngôi nhà ở miền quê, nhà bè nổi trên sông, chiếc ghe, xuồng bé xíu… Tất cả đều là hình ảnh quen thuộc, gắn bó với đời sống người dân miền Tây.

Gần đây, anh Để vừa hoàn thành mô hình “Ngôi nhà bác Tám”. Đó là tên anh đặt cho mô hình ngôi nhà cha mẹ mình ở xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới). “Ngôi nhà” có chiều dài 80cm, ngang 45cm, rộng 40cm. Từng chi tiết nhỏ nhất như mái lợp tole, cột gỗ kết hợp vách tường… đều được anh Để làm thủ công, rất tỉ mỉ. Anh Để chia sẻ: “Ngôi nhà mô hình này khoảng 1 tuần là hoàn thành, chủ yếu tận dụng thời gian buổi tối. Để ngôi nhà sống động, tôi nhuộm màu chất liệu sao cho mái tole mang dấu vết thời gian, phủ màu rỉ sét như thật, màu xanh của cột nhà và màu gỗ nâu bóng lâu năm của sàn nhà. Cả màu vách tường và bậc thang xi-măng đều được tô điểm vết chống trượt giống như nhà thật. Đối với tôi, ngôi nhà là mái ấm, còn mô hình này là kỷ niệm để lưu giữ lại hình ảnh ngôi nhà thân thương tôi đang sinh sống”.

Mô hình “Ngôi nhà bác Tám”

Trong số các mô hình đã làm, ngoài “Ngôi nhà bác Tám”, anh Để còn đặc biệt yêu thích mô hình tòa nhà Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Mô hình này được làm cách đây khoảng 1 năm, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân. Mô hình tòa nhà có chiều dài 1m, rộng 50cm, cao 75cm, mất khoảng 1 tháng để hoàn thành, đang được trưng bày tại phòng truyền thống của đơn vị. Anh Để cho biết, anh sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ tấm ván nhựa pima, tấm ép fomex, que gỗ… Tùy hình dáng từng mô hình mà nguyên liệu sẽ được cắt nhỏ, xử lý màu sắc phù hợp để tạo hình mô phỏng. Mô hình có sắc sảo hay không, phụ thuộc vào chi tiết nhỏ. Nếu những vật dụng nhỏ trong mô hình tạo cho người nhìn cảm giác đó là vật trang trí “thật” thì mô hình mới thành công.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội bán đủ vật dụng tí hon dùng để “bày biện” trong mô hình. Tuy nhiên, anh Để thích tự tay tạo ra chúng, tỉ mẩn trang trí cho mô hình của mình. Anh Để kể: “Khi làm mô hình nhà bè nổi trên sông, có chi tiết nhỏ tạo nên điểm bình dị, chân thật cho mô hình là những chiếc vỏ xe đặt trên mái tole và treo bên hông nhà bè. Để làm những chiếc vỏ xe mi-ni này, tôi đã dùng đất để nặn từng chiếc rồi đem nung, sau đó nhuộm màu. Công việc dù không vất vả, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, tôi rất hài lòng”.

Mô hình nhà bè được anh Cao Tấn Để đặt nổi trên chậu thủy sinh

Ngoài mô hình nhà ở, nhà bè nổi, anh Để còn làm một vài mô hình ghe, tàu Nam Bộ đặt vào hồ thủy sinh, hoặc làm những chiếc tàu biển theo nhu cầu đặt hàng, nếu có người cần mua để trưng bày. Hiện, anh Để dự định sẽ làm bộ mô hình đủ các phương tiện tàu, ghe, xuồng… gắn bó với cuộc sống sông nước của người dân miền Tây. Chia sẻ về ý tưởng của mình, anh Để cho biết: “Mỗi ngày, sau giờ làm việc, đi đò qua sông về nhà, nhìn những chiếc ghe, xuồng ngược xuôi, tôi thấy đó là khung cảnh rất yên bình. Tôi thích “thu nhỏ” hình ảnh quen thuộc mình nhìn thấy hàng ngày, vì vậy muốn làm 1 bộ mô hình mô phỏng tất cả phương tiện di chuyển, gắn bó với cuộc sống mưu sinh của người dân, mang hơi thở miền Tây sông nước. Tôi hình dung, khi hoàn thành đầy đủ, có lẽ nhìn chúng sẽ rất dễ thương…”.

MỸ LINH