Lý thú về chuyện nhuận bút

13/02/2021 - 00:30

 - Từ nghĩa ban đầu là cây bút ướt, sau đó từ “nhuận bút” chỉ thù lao cho những người sáng tác văn thơ, nhạc họa, làm báo, soạn sách, thậm chí phóng tay tới lĩnh vực ca hát nhằm mục tiêu “chiêu hiền đãi sĩ”. Xung quanh chuyện nhuận bút từ ngày xưa cho đến nay có nhiều câu chuyện lạ.

Bài phú nhuận bút cao nhất nước

Vào thế kỷ XIII, ông Nguyễn Hãng (người huyện Lâm Thao, Phú Thọ) làm câu chuyện chưa từng người có được. Ông là giám sinh trường Quốc tử giám, nhà nho nổi tiếng về học vấn lẫn đức độ, cùng thời với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Với 2 bài phú bất hủ “Tịch cư ninh thể” và “Đại Đồng phong cảnh”, tên tuổi của ông vượt ra ngoài một dòng họ, một ngôi làng và được ví là người “thiên bút”, định danh trên văn đàn. Riêng bài phú “Tịch cư ninh thể”, qua cuộc thi đoạt giải nhất, được Gia quốc công Vũ Văn Mật (1493-1571), chúa Vũ thứ 2 (vua Bầu) cát cứ 172 năm ở vùng đất Đại Đồng, trấn Tuyên Quang (Lào Cai) tặng 2.000 lạng bạc, là “nhuận bút” cao nhất trong lịch sử văn chương Việt.

Nhuận bút bằng đòn roi

Tác phẩm “Đại Nam quốc sử” diễn ca của ông Lê Ngô Cát (1827-1876) có 1.887 câu, chép việc từ đời Hồng Bàng đến hết thời hậu Lê, viết vào năm Canh Thân, niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1860) khi ông Cát làm việc ở Quốc sử quán. Xem xong, vua Tự Đức phải chịu tài thơ của ông Lê Ngô Cát, nhưng không hiểu sao thưởng cho tác giả một vuông đũi với 2 đồng, chỉ mang tính tượng trưng. Sau khi nhận phần thưởng, sử gia Lê Ngô Cát liền tức cảnh: “Vua khen thằng Cát có tài/Ban cho cái khố với 2 đồng tiền”. Tưởng làm để đọc cho vui, nào ngờ chuyện đến tai vua Tự Đức. Kết quả, ông Lê Ngô Cát “nhận” thêm 30 roi “nhuận bút” vì tội làm 2 câu thơ ý “giỡn mặt” với nhà vua.

Ca khúc “sống khỏe” 66 tháng

Nếu chúa Vũ Văn Mật tặng 2.000 lạng bạc cho bài phú “Tịch cư ninh thể”, thì ca khúc  “Đoàn giải phóng quân” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (sáng tác năm 1946), được chủ hiệu văn hóa phẩm Tăng Duyệt trao nhuận bút đến 800 đồng, nhạc sĩ “sống khỏe” đến 5,5 năm. Ông Phan Huỳnh Điểu là con thứ 11 trong gia đình người cha làm thợ may. Tài sản âm nhạc của nhạc sĩ khá phong phú, trong đó nhiều ca khúc sống mãi với thời gian, như: Bóng cây Kơ nia, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Thuyền và Biển… Năm 1946 ở Huế, nhạc sĩ đi tìm một nơi để in bài hát, gặp ông Tăng Duyệt (Giám đốc Nhà Xuất bản Tinh Hoa). Người này giới thiệu với Nhà Xuất bản Ánh Sáng của nhà văn Hải Triều, sau đó ký hợp đồng với nhạc sĩ. Hợp đồng có đoạn: “Nhận xuất bản bài hát “Đoàn giải phóng quân” của Phan Huỳnh Điểu với số lượng 2.000 bản, giá bán 2 đồng/bản. Tác giả được hưởng 20% trên toàn bộ giá bán, tổng cộng là 800 đồng”.

Nhạc sĩ không ngờ mình lại được hưởng số tiền nhuận bút lớn như vậy, bởi lúc đó ăn cơm bình dân chỉ 12 đồng/tháng. Như vây, ông “sống khỏe” đến 5,5 năm. Điều đáng nói, ông Tăng Duyệt còn trả luôn tiền bản quyền 800 đồng và mời nhạc sĩ làm cố vấn xuất bản nhạc phẩm mới ở cửa hiệu của ông.

Hợp đồng hát trị giá nửa giải độc đắc vé số Đông Dương

Năm 1948, ông bầu gánh hát Tiến Hóa ký hợp đồng nghệ thuật trị giá 50.000 đồng quyết mời cho bằng được nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn về hát. Số tiền này bằng nửa giải độc đắc vé số Đông Dương, đến nay chưa người phá kỷ lục trả “nhuận bút” về hát vọng cổ. Sau đó, nghệ sĩ còn hát cho nhiều đại ban khác, như: Mộng Vân, Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung... giá hợp đồng tăng lên 100.000 đồng, 150.000 đồng rồi 300.000 đồng. Đến năm 1959, ông ký hợp đồng trị giá 750.000 đồng/năm, hát cho đoàn Thanh Minh của bà bầu Thơ.

Trong dịp lễ, Tết, ông còn được trả thù lao cho 2 suất diễn với mức 3.000 đồng, tương đương 1 cây vàng. Lúc này, nhiều giọng hát vàng, như: Hữu Phước, Thành Được, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Mỹ Châu ký hợp đồng giá gần bạc triệu/năm, riêng cát-sê cho suất hát tương đương 1 tháng lương của công chức thời đó. Đặc biệt, hơn 2.000 bài vọng cổ soạn giả Viễn Châu sáng tác, có đến 2/3 được nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn truyền bá.

NGUYỄN RẠNG