Mai dảo mùa Tết

13/01/2024 - 13:46

 - Đó là một loại giống mai rất đặc biệt ở xứ đầu nguồn Phú Vĩnh (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang). Người trồng mai chắt chiu chăm sóc suốt một năm tròn, chờ đến ngày Xuân hưởng thành quả vàng ươm.

Xã Phú Vĩnh có khoảng 50 hộ trồng mai, trải dài hơn 200 công đất. Đã từ lâu, mai dảo Tân Châu nức tiếng gần xa với vẻ đẹp rất riêng. Nhiều thương lái, người dân ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh lặn lội đường xa, đến tận nơi để tìm mua những gốc mai ưng ý, đưa ra chợ phục vụ thị trường mai Tết.

Nếu đã theo nghề trồng mai, thường sẽ bám gốc bám rễ qua nhiều thế hệ. Chỉ bán mỗi mùa Tết, nhưng mai được chăm sóc cẩn thận, cắt tỉa quanh năm. Cây mai đẹp, đủ độ tuổi sẽ được bán trước Tết. Số còn lại tiếp tục được nuôi dưỡng cho những năm sau.

Cây mai không yêu cầu quá khắt khe trong khâu chăm sóc, nhưng cần người thợ nắm đúng kỹ thuật uốn, ghép cành và bón phân thuốc.

Điển hình như cây mai hơn 1 năm tuổi này. Từ nhỏ, nó được uốn cong, qua nhiều lần chỉnh sửa mới có được dáng đẹp. Anh Trương Hồng Sang chia sẻ: “Tùy theo cây mai mà quyết định tạo dáng phù hợp. Theo dõi quá trình phát triển của cây mai, người trồng quyết định mở dây uốn sớm hoặc trễ. Khoảng 2-3 tháng có thể tháo dây uốn ra, cây mai cơ bản thành hình. Bình quân, 1 cây mai được trồng từ hạt, được chăm sóc tốt thì tầm 2 năm sẽ ra bông”.

Thị hiếu mua mai của người dân hiện giờ không phải chỉ ở nét đẹp của hoa mai, mà họ còn chọn dáng “phong thủy”, thu hút may mắn trong năm mới. Chính vì vậy, nhà vườn nơi đây có xu hướng tạo ra rất nhiều dáng mai, phục vụ tối đa nhu cầu thị trường.

Anh Trần Đức Duy quyết định gắn bó với vườn mai của gia đình. Sau 3 thế hệ vun trồng, khu vườn có rất nhiều giống mai được chọn lọc rất kỹ, giữ được độ thuần chủng cao nhất.

“Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi định học đại học. Nhưng khi tiếp gia đình trồng và bán mai, “máu nghề” thấm vào người lúc nào không hay. Tôi từ bỏ ý định đi học, dứt khoát theo “nghề gia truyền”, cùng cây mai phát triển cuộc sống”.

Vườn mai của gia đình Duy đang ươm khoảng 3.000 cây con. Tất cả đều được mối lái đặt hàng tiêu thụ hết. Vì vậy, cả nhà tập trung chăm sóc, nâng niu từng cây, chờ ngày giao hàng.

Ít đất sản xuất, người dân chuyển đổi từ canh tác lúa sang cây mai vàng rất hiệu quả. Nghề trồng mai còn giúp bà con nông thôn có việc làm quanh năm, thu nhập khá cao, nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán. Điển hình là trường hợp của ông Lê Văn Kiệt.

Ông chia sẻ: “Thợ uốn mai như tôi được khoảng 300.000 – 400.000/ngày, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng đâu phải ai làm cũng được. Muốn theo nghề lâu dài, cần nhất là có niềm đam mê, điềm tĩnh trong công việc. Mỗi lần nhìn cây mai mình uốn ra hình ra dáng, trong lòng tôi vui không thể nào tả xiết…”.

Nhận thấy tiềm năng của cây mai, Phòng Kinh tế TX. Tân Châu xây dựng mô hình trồng mai vàng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, kết hợp bón phân điều khiển tự động bằng điện thoại thông minh. Tổng kinh phí thực hiện gần 130 triệu đồng, từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và vốn đối ứng của hộ trồng mai.

Cuối tháng 11 âm lịch, nụ mai bắt đầu xuất hiện. Nhà vườn bắt đầu bận rộn với những công đoạn cuối, trước khi đưa mai về với thương lái, khách hàng.

Nhiều cây mai “gấp Tết”, bung nở vàng rực một góc sân,

Chủng loại mai tại xã Phú Vĩnh khá đa dạng. Trong đó đặc trưng nhất là mai dảo nguyên bản của xứ Tân Châu. Mỗi hoa có từ 10-15 cánh, khi trổ có mùi rất thơm. Đặc biệt, thời gian kết nụ đến khi hoa tàn hơn 10 ngày, nên rất được thị trường ưa chuộng.

Nhiều nhà vườn ở làng mai Phú Vĩnh nói vui: “Nghề trồng lúa, trồng rẫy bấp bênh, còn nghề trồng mai nếu có ế thì… để lại năm sau bán. Năm sau ế thì để lại năm sau bán tiếp. Cây càng lớn, càng có giá trị, chả sao!”.

VẠN LỘC