Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đơn vị có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và bị giảm so với tổng doanh thu năm 2019 sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trường hợp DN mới thành lập, mới chuyển đổi loại hình DN, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021 thì sẽ không xét tới tiêu chí doanh thu năm nay giảm so với năm 2019.
Việc quy định DN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng mới được giảm 30% thuế TNDN đã có nhiều ý kiến góp ý điều chỉnh. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định mức quy định này chưa thật hợp lý và sẽ loại bỏ một số DN nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng hỗ trợ. Bởi theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, một trong những tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng. Do đó, để bảo đảm tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, VCCI đề nghị xác định đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế TNDN là các DN có tổng doanh thu của năm không quá 300 tỉ đồng.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng các chính sách hỗ trợ cần ban hành kịp thời vì đợt bùng dịch thứ 4 đã khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cần xem xét nới rộng các điều kiện để DN được thụ hưởng chính sách và kéo dài thời gian triển khai. Trong thực tế, không có nhiều DN tiếp cận được chính sách gia hạn thuế TNDN do ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh lỗ, không có thu nhập để được giảm thuế.
Dưới góc độ DN, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - một DN vận tải hành khách ở Hà Nội, cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty ông với hơn 100 xe chở khách nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, có thời điểm dừng hẳn do giãn cách xã hội, trong khi các khoản chi phí khác vẫn phải bỏ ra để giữ chân người lao động. Theo ông Bằng, các đơn vị vận tải khách đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thua lỗ, cho nên nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ khác để DN được tiếp cận.
Dây chuyền sản xuất bánh bao hiện đại tại Công ty TNHH MTV Chế biến Thực phẩm Thọ Phát (TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tăng thêm nhiều đối tượng
Đáng chú ý, dự thảo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến cũng đề xuất giảm 30% thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1-10 đến hết năm 2021 cho các DN, tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh trong các ngành vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động của đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; các hoạt động xuất bản điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc…
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đối tượng được thụ hưởng trực tiếp của chính sách giảm thuế suất GTGT nêu trên là người mua hàng hóa, dịch vụ, do mức giảm 30% thuế suất thuế GTGT thể hiện trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của người bán, qua đó giảm số tiền mà người mua phải thanh toán. Đồng thời, chính sách này cũng sẽ gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, khuyến khích bán hàng tốt hơn, nhiều hơn, qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của DN.
Đồng tình, luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng thuế GTGT là gián thu, đối với lĩnh vực như du lịch, vận tải hành khách sẽ giúp các DN giảm giá dịch vụ, góp phần khuyến khích, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy các ngành dịch vụ quay trở lại hoạt động. Dù vậy, luật sư Ứng kiến nghị việc triển khai giảm thuế GTGT cần phải xem xét thời gian áp dụng phù hợp, bởi khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát thì lĩnh vực dịch vụ mới thực sự có điều kiện để hoạt động trở lại bình thường.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất cá nhân, hộ kinh doanh được miễn thuế 6 tháng cuối năm. Như vậy, thay vì giảm 50% như đề xuất cũ, dự thảo mới của Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tháng trong quý III và IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, không kể hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Tuy nhiên, đối tượng được áp dụng chính sách này sẽ không bao gồm cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Dẫn chứng tại Hà Nội, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết hàng loạt cửa hàng kinh doanh đã đóng cửa từ đợt dịch năm 2020, đến nay không thể hoạt động trở lại. Hàng loạt chi phí từ thuê mặt bằng, nhân viên trong khi kinh doanh ế ẩm buộc nhiều người phải rời khỏi thị trường. Do đó, chính sách miễn thuế là rất cần thiết vào thời điểm này.
Đơn giản hóa điều kiện và thủ tục
Một vấn đề quan trọng được ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, lưu ý là cần đơn giản hóa điều kiện và thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ nêu trên. Theo ông Lộc, yếu tố thời gian phải được đặt lên hàng đầu khi giải cứu DN trong bối cảnh cấp bách như hiện nay. Bởi nếu chính sách triển khai sớm một ngày sẽ cứu được hàng trăm, hàng ngàn DN, còn nếu triển khai chậm thì nhiều DN phải rời khỏi thị trường.
Theo MINH CHIẾN (Người lao động)