Người biểu tình Anh tuần hành về vấn đề Brexit bên ngoài Hạ viện ở thủ đô London, ngày 3-9-2019. Ảnh: THX-TTXVN
Gần nửa năm trôi qua kể từ thời hạn đầu tiên lẽ ra nước Anh "chia tay" EU (ngày 29-3-2019) và khi thời hạn lần thứ ba (ngày 31-10) đang đến gần với viễn cảnh Brexit không thỏa thuận tăng cao hơn bao giờ hết, Hạ viện Anh trong cuộc họp diễn ra rạng sáng 5-9 (giờ Hà Nội) lại tiếp tục thông qua một dự luật yêu cầu Thủ tướng Boris Johnson đề nghị EU thêm lần nữa gia hạn Brexit đến 31-01-2020 nếu không đạt được một thỏa thuận mới. Đồng thời, đề xuất của ông Boris Johnson tổ chức bầu cử sớm vào ngày 15-10 cũng bị hạ viện bác bỏ.
Động thái của hạ viện được xem là nỗ lực nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận, bởi từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh 6 tuần trước, ông Boris Johnson đã nhiều lần tuyên bố kiên quyết đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31-10-2019 dù có thỏa thuận hay không. Dự luật mới mà Hạ viện thông qua được Thủ tướng Johnson gắn cho cái tên là “dự luật đầu hàng” khi đã “trói tay” ông, trao cho EU nhiều lợi thế trong đàm phán thỏa thuận Brexit.
Thực tế thì EU đã nhiều lần khẳng định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận đã đạt được với cựu Thủ tướng Anh Theresa May hồi tháng 11-2018 sau hơn 2 năm thương lượng đầy khó khăn, song 3 lần bị Hạ viện Anh bác bỏ. Bởi vậy mà dự luật mới đang đặt Thủ tướng Boris Johnson vào tình thế khó khăn.
"Mầm mống" những căng thẳng trên chính trường Anh mà đỉnh điểm là "cuộc đối đầu" giữa hạ viện với chính phủ của Thủ tướng Johnson đã xuất hiện từ khi ông quyết định đình chỉ hoạt động của cơ quan lập pháp trong 5 tuần lễ, từ tuần thứ hai của tháng 9 cho đến ngày 14-10, hành động bị chỉ trích là "phi dân chủ" và bị cho là hạn chế tối đa thời gian của các nghị sĩ để có thể phản đối một “Brexit cứng” mà ông Johnson mong muốn.
Phản ứng lại hành động của Thủ tướng Johnson, ngay trong ngày làm việc trở lại đầu tiên sau kỳ nghỉ Hè, Hạ viện Anh, với 328 phiếu thuận và 301 phiếu chống, đã thông qua đề nghị Chủ tịch Hạ viện cho phép mở một cuộc tranh luận khẩn cấp để xem xét một dự luật ngăn chặn ông Johnson thực hiện Brexit không thỏa thuận.
Điểm đáng chú ý là dù trước đó Thủ tướng Johnson đã đe dọa sẽ trục xuất ra khỏi đảng tất cả các nghị sỹ Bảo thủ “nổi loạn” bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của phe đối lập, nhưng vẫn có đến 21 nghị sỹ Bảo thủ đứng về phía bên kia chiến tuyến, trong đó có nhiều nghị sỹ kỳ cựu, cấp cao như các cựu bộ trưởng Tài chính Kenneth Clarke và Philip Hammond, hay nghị sỹ Nicholas Soames, cháu nội của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill, người là thần tượng của ông Johnson.
Với việc 21 nghị sỹ “nổi loạn” đã bị ông Johnson khai trừ khỏi đảng và trước đó nghị sỹ Phillip Lee rời bỏ đảng Bảo thủ để sang đảng Tự do Dân chủ, chính phủ của Thủ tướng Johnson không còn nắm sự ủng hộ đa số ở hạ viện, nên việc dự luật ngăn chặn "Brexit cứng" được thông qua là điều không quá bất ngờ.
Ý định của Thủ tướng Johnson khởi động một cuộc bầu cử sớm trước khi dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận đến tay Nữ hoàng Anh phê chuẩn, được xem là cách duy nhất để ông có thể tìm lại được thế ủng hộ đa số tại hạ viện và sau đó đến Brussels tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 - 18-10 nhằm đạt được một thỏa thuận tốt hơn hoặc thực hiện "Brexit cứng", nếu không thể đạt được một thỏa thuận mới. Tuy nhiên, một lần nữa Thủ tướng Johnson lại bị hạ viện "đánh bại" khi chỉ có 298 phiếu ủng hộ trong khi cần tới 434 phiếu để ông Johnson có thể tiến hành tổng tuyển cử sớm.
Những diễn biến mới này đang làm rối ren thêm "mớ bòng bong" Brexit, vốn là nguyên nhân khiến người tiền nhiệm của ông Johnson phải cay đắng "ra đi". Tới thời điểm này, nước Anh dường như lại đứng giữa "ngã tư đường" mà mọi hướng đều đang bị "màn sương mù" phủ kín không rõ sẽ dẫn tới đâu.
Tại phiên họp của Hạ viện ở London ngày 3-9-2019, Thủ tướng Boris Johnson (giữa) khẳng định không muốn bầu cử sớm nhưng nếu các nghị sĩ biểu quyết dừng đàm phán với EU và tiếp tục trì hoãn Brexit, thì bầu cử sớm là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Ảnh: THX-TTXVN
Dự luật ngăn chặn "Brexit cứng" của hạ viện, để thành luật và có tính bắt buộc đối với Thủ tướng Johnson, còn phải được thượng viện thông qua và sau đó là Nữ hoàng Anh phê chuẩn. Nhiều ý kiến lo ngại rằng Thủ tướng Johnson có thể sử dụng một số thủ thuật, như từ chối hay trì hoãn việc chuyển dự luật cho Nữ hoàng phê chuẩn, để ngăn cản việc dự luật này thành luật, dù ông Johnson khẳng định rằng sẽ “giữ gìn hiến pháp và tuân thủ pháp luật”.
Hiện ông Johnson vẫn kiên định lập trường không đề nghị EU trì hoãn Brexit, và nước Anh sẽ rời "ngôi nhà chung" vào ngày 31-10. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh có vẻ cũng đang "đặt cược" vào khả năng mối đe dọa Brexit không thỏa thuận với những thiệt hại nặng nề sẽ buộc EU phải nhượng bộ vào phút chót, khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 - 18-10 tới.
Khả năng một cuộc tổng tuyển cử mới cũng vẫn bỏ ngỏ. Việc Hạ viện Anh bác đề xuất của Thủ tướng Johnson được cho là do lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn chưa ủng hộ khi trước đó ông này đã tuyên bố rằng chỉ đồng ý tổng tuyển sớm khi dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận đã trở thành luật và cuộc tổng tuyển cử được tổ chức trong khoảng thời gian 14 - 15-10.
Do đó, trong trường hợp dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận trở thành luật và có tính bắt buộc đối với Thủ tướng Johnson, rất có thể lãnh đạo Công đảng đối lập lại ủng hộ đề xuất tổng tuyển cử sớm của Thủ tướng Johnson.
Nếu một cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra, Thủ tướng Johnson sẽ đại diện đảng Bảo thủ là "đảng của Brexit", đảng thực hiện “ý nguyện của người dân” như kết quả cuộc trưng cầu tháng 6-2016. Tuy nhiên, chẳng có gì bảo đảm rằng Thủ tướng Johnson sẽ có thế đa số ở hạ viện sau cuộc bầu cử sớm này.
Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đảng Bảo thủ đang dẫn trước và sẽ lấy được một số ghế của Công đảng ở những khu vực trung tâm ủng hộ “Ra đi”, nhưng đảng này cũng sẽ mất gần như tất cả 13 ghế của mình ở Scotland - khu vực ủng hộ “Ở lại”, và có thể thất bại trước các ứng cử viên Tự do Dân chủ ở khu vực miền Nam.
Ngoài ra, Công đảng vẫn rất mạnh ở các thành phố lớn, trong đó có thủ đô London. Do đó, kết quả tổng tuyển cử sớm có thể dẫn đến một quốc hội chia rẽ, phân mảng hơn khi Công đảng và đảng Bảo thủ không giành được đa số, các đảng nhỏ như đảng Tự do Dân chủ thì lại giành được nhiều ghế hơn.
Mặt khác, vẫn có lý do để cho rằng lãnh đạo Công đảng đối lập Corbyn sẽ không ủng hộ đề xuất tổng tuyển sớm mà hành động tiếp theo của ông này sau khi dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận trở thành luật, là tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Johnson, lập lên một chính phủ lâm thời để đề nghị gia hạn Brexit và tổ chức tổng tuyển cử.
Dự luật vừa được hạ viện thông qua, nếu trở thành luật, cũng không có nghĩa nó sẽ bảo đảm tránh cho nước Anh được kịch bản Brexit không thỏa thuận. Nếu Thủ tướng Johnson giành được thế đa số ở hạ viện sau cuộc bầu cử sớm, ông có thể bãi bỏ luật này và Brexit không thỏa thuận vẫn có thể xảy ra, chỉ là chậm hơn mà thôi.
Ngoài ra, khi cuộc tổng tuyển cử nằm trong tay Thủ tướng Johnson, nó có thể sẽ đi theo hướng đây là một cuộc lựa chọn giữa “không thỏa thuận” và ông Corbyn, và khi đó nhiều cử tri ôn hòa có thể sẽ lựa chọn “không thỏa thuận”.
Những diễn biến trên cho thấy Thủ tướng Anh Johnson khó có thể thực hiện được kế hoạch Brexit của mình với quốc hội hiện tại, nhưng ông cũng không dễ để thực hiện một cuộc tổng tuyển cử sớm và nếu có một cuộc bầu cử sớm thì ông cũng không chắc đã giành được một sự ủy nhiệm chính thức đa số để có thể thực hiện việc đưa nước Anh ra khỏi EU.
Rõ ràng Brexit đã làm thay đổi đời sống chính trị của nước Anh. Cử tri và các chính trị gia Anh dường như không còn trung thành theo đường lối của một giai tầng xã hội mà họ đang được phân chia sâu sắc thành “Ở lại” và “Ra đi”; “Ra đi” có thỏa thuận và “Ra đi” không thỏa thuận.
Theo ĐÌNH THƯ (Báo Tin Tức)