Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel chuẩn bị bước vào cuộc họp báo chung sau khi hội đàm tại Berlin, Đức hôm 18-6. Ảnh: Reuters
Tuần này ghi dấu bằng loạt sự kiện quan trọng trong quan hệ của EU với "xứ sở bạch dương", trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU để xem xét trừng phạt Nga vào hôm nay (21-6).
Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Ðức A.Merkel (A.Méc-ken) hối thúc EU cần duy trì đối thoại với Nga, bất chấp những khác biệt giữa hai bên trong một số lĩnh vực như vấn đề an ninh, cuộc xung đột ở Ukraine (U-crai-na) và Syria (Xy-ri).
Trong trao đổi với Tổng thống Pháp E.Macron (E.Ma-crông) trước đó, bà Merkel nhấn mạnh EU có lợi ích lớn trong việc duy trì đối thoại với Nga nhằm bảo đảm an ninh và ổn định nội khối. Cũng theo nhà lãnh đạo Ðức, cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ J.Biden (G.Bai-đơn) và người đồng cấp Nga V.Putin (V.Pu-tin) vừa qua đã mở ra cánh cửa đối thoại giữa phương Tây với Moskva.
Tuy nhiên, dù Tổng thống Pháp Macron chia sẻ việc duy trì đối thoại với Nga và nhấn mạnh EU cần có đường lối chung trong cách tiếp cận với Ðiện Kremlin (Crem-li), song nhiều ý kiến cho rằng quan hệ giữa liên minh với Nga chưa thể sớm cải thiện.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Ðại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU J.Borrell (G.Bo-ren) nhận định, trong hoàn cảnh hiện tại, việc làm mới quan hệ đối tác giữa EU và Nga là một triển vọng xa vời.
Trong bản báo cáo về chiến lược chi tiết để xây dựng mối quan hệ "dễ lường trước hơn và ổn định hơn" với Nga sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao EU sắp tới, Phó Chủ tịch EC cho rằng khó có khả năng quan hệ EU và Nga có thể cải thiện trong một sớm một chiều. Theo ông Borrell, cách tiếp cận mà EU phải thực hiện lúc này là kiềm chế và can dự với Moskva.
Phó Chủ tịch EC nhấn mạnh, EU cần nhìn nhận một cách thực tế và chuẩn bị cho thời kỳ "lạnh nhạt" tiếp theo trong mối quan hệ với Nga.
Quan hệ Nga - EU thời gian qua tiếp tục "giá lạnh" sau khi hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau sau vụ Nga bắt giữ nhân vật đối lập A.Navalny (A.Na-van-ni). Ước tính các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga từ năm 2014 đã khiến nền kinh tế của liên minh thiệt hại 21 tỷ euro (ơ-rô) mỗi năm. Các biện pháp trừng phạt này kéo dài đến giữa năm 2021 nhằm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga như dầu mỏ, quốc phòng và ngân hàng.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Ðức cho biết, các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga khiến kinh tế Ðức thiệt hại 5,45 tỷ euro/năm. Nếu các biện pháp trừng phạt tiếp tục được siết chặt, thiệt hại tài chính sẽ tăng lên đáng kể. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Ðức sang Nga có thể tăng 15% nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Những thiệt hại hiện hữu cho cả hai bên do các lệnh trừng phạt khiến cả EU lẫn Nga đều cân nhắc việc cải thiện lại quan hệ. Trong cuộc gặp với các lãnh đạo EU tại Brussels tuần trước, Tổng thống Biden kêu gọi dỡ bỏ các "giới hạn đỏ" để tránh kích động Nga.
Gần đây, Tổng thống Nga Putin tuyên bố nước này đã sẵn sàng cải thiện mối quan hệ với EU trong thời gian tới. Ông nêu rõ: "Các quốc gia Tây Âu và Nga nên sát cánh bên nhau. Tình hình hiện nay rất bất thường. Nếu chúng ta có thể vượt qua những khúc mắc trong quá khứ, thì một giai đoạn tích cực của các mối quan hệ sẽ mở ra chào đón chúng ta".
Theo nhà lãnh đạo Nga, EU cần "thoát khỏi nỗi ám ảnh về quá khứ". Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.Lavrov (X.La-vrốp) cũng nhấn mạnh mong muốn có thể đảo ngược xu hướng tiêu cực trong quan hệ Nga - EU hiện nay và khuyến cáo EU cần sớm xem xét lại quan hệ với Moskva khi thế giới đa cực đang trở thành một xu hướng tất yếu. Ông khẳng định mối quan hệ này chỉ có thể trở lại bình thường nếu các nước phương Tây từ bỏ hành động tuyên truyền chống Nga.
Bất chấp những thiệt hại do các lệnh trừng phạt gây ra, Nga vẫn là đối tác thương mại quan trọng thứ năm của EU. Trong khi đó, Brussels cũng là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Moskva. Dù hai bên còn nghi ngại lẫn nhau, theo các nhà phân tích, việc EU và Nga hướng tới cải thiện quan hệ là xu thế tất yếu vì lợi ích chung. Tuy nhiên, để làm được điều này, cả hai bên cần sớm hóa giải bất đồng và cùng đối thoại trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Theo HÀ VIỆT (Nhân Dân)