Mở cửa du lịch, đặc sản An Giang được tiêu thụ mạnh

16/03/2022 - 03:36

 - Kể từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, hoạt động du lịch (DL) trên địa bàn tỉnh An Giang đã sôi động trở lại, điều này đã giúp sản phẩm đặc sản tại các địa phương được tiêu thụ mạnh.

Khởi sắc du lịch

Các điểm DL trên địa bàn tỉnh An Giang, như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Khu du lịch núi Cấm, Khu bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo, núi Nổi (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) đón khách mỗi ngày một đông. Du khách đến địa phương, ngoài tham quan, DL và nghỉ dưỡng, khi quay trở về, đa phần du khách đều có nhu cầu tìm mua đặc sản địa phương để làm quà biếu người thân, bạn bè.

Cơ sở sản xuất khô đẩy mạnh sản xuất

Chị Trần Thị Thanh (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) đi cùng gia đình ghé thăm An Giang vào những ngày cuối tuần. Ngay khi đến Châu Đốc, chị đã đến cúng Bà, thực hiện thủ tục tâm linh tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. DL tại thành phố lễ hội được 2 ngày, chị Thanh cùng gia đình trở lại TP. Hồ Chí Minh để trở về với các công việc thường nhật.

“Sau 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, nay mới có dịp trở lại TP. Châu Đốc để cúng viếng và tham quan, DL. Điều cảm nhận đầu tiên là thành phố này đẹp và trật tự hơn trước rất nhiều. Đường phố xung quanh chợ Châu Đốc được mở rộng, các sạp mua bán được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Tại miếu Bà, hiện tượng chèo kéo du khách được ngành chức năng xử lý triệt để, trả lại nét văn minh của một thành phố DL. Tôi ghé mua mắm Thái Châu Đốc, khô cá sặc bổi, giá bán tuy có tăng nhưng không đáng kể so với trước, tôi cảm thấy rất vui…” - chị Thanh chia sẻ.

Theo Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, hiện mỗi ngày, có hàng ngàn du khách thập phương đến viếng Bà Chúa Xứ núi Sam. Nếu so với những năm trước đó, cụ thể như năm 2018, 2019, lượng khách đến viếng Bà năm nay tăng hơn 60%. Con số này rất đáng phấn khởi đối với ngành DL địa phương, bởi sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, hoạt động DL dần được phục hồi. Khi DL phát triển, các dịch vụ khác phát triển theo, giúp cuộc sống người dân địa phương ngày một ổn định.

Không chỉ TP. Châu Đốc, các địa phương khác, như: Huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, TX. Tân Châu… hoạt động DL đã được phục hồi và phát triển. Các sản phẩm DL được đưa vào khai thác một cách tốt nhất. Nếu như núi Cấm, núi Sam có DL tâm linh, nghỉ dưỡng thì ở TX. Tân Châu có sản phẩm DL sông nước miệt vườn, DL văn hóa lịch sử, tham quan làng Chăm, làng nghề tơ lụa trăm năm. Khi đến đây, ngoài tham quan, DL, trải nghiệm sản phẩm DL sông nước miệt vườn, du khách còn tìm đến làng Chăm, mua các sản phẩm mang tính đặc trưng, như: Tung lò mò, bánh tổ chim và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (sà rông, khăn choàng tắm). Lượng du khách check-in nhiều, các làng nghề chuyên sản xuất mặt hàng đặc sản hoạt động nhộn nhịp trở lại.

Doanh thu tăng

Đi đầu trong các làng nghề có đặc sản phục vụ du khách, trước hết phải nói đến làng nghề sản xuất mắm của TP. Châu Đốc, làng nghề chế biến khô cá bổi ở xã Khánh An (huyện An Phú), chế biến khô cá lóc ở TX. Tân Châu, huyện Chợ Mới, Thoại Sơn. Hiện nay, tất cả các làng nghề này đang vào cao điểm sản xuất phục vụ du khách đến với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Cụ thể, tại làng nghề chế biến khô cá sặc bổi (xã Khánh An), bình quân mỗi ngày, mỗi cơ sở chế biến khô nơi đây sản xuất từ 700kg đến trên 1 tấn khô thành phẩm. Ngoài cung cấp cho thị trường TP. Châu Đốc, sản phẩm của làng nghề bán khắp các tỉnh ĐBSCL, kể cả TP. Hồ Chí Minh và khu vực miền Đông Nam Bộ.

“Năm 2020 và 2021, do dịch bệnh COVID-19 hoành hành, làng khô nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Nay DL mở cửa trở lại, những hộ chế biến khô của làng nghề rất vui mừng. Sản xuất được phục hồi, doanh thu tăng trở lại, tuy chưa bằng những năm 2018 và 2019 nhưng sự phục hồi của làng nghề trong giai đoạn hiện nay báo hiệu một triển vọng rất tốt đẹp…” - ông Nguyễn Văn Dũng (Cơ sở sản xuất khô Văn Dũng, xã Khánh An) chia sẻ.

Bình quân mỗi ngày, cơ sở ông Dũng sản xuất được gần 1 tấn sản phẩm. Với 2 loại khô: Cá bổi ướp lạt và cá bổi ướp mặn. Đối với sản phẩm cá bổi ướp lạt, khi di chuyển hoặc bán cho du khách, phải được bảo quản trong môi trường lạnh. Còn sản phẩm cá bổi ướp mặn, du khách mua về không phải bảo quản trong môi trường lạnh. Trước đây, bình quân doanh thu mỗi ngày trên 500 triệu đồng, thì hiện nay khoảng 350 triệu đồng và dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

“Chúng tôi rất mừng khi hoạt động DL đã mở cửa trở lại và dần phục hồi. Mừng khi có nhiều du khách đến địa phương thì doanh thu của ngành DL tăng, các sản phẩm đặc sản phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, nhất là khô, mắm, đường thốt nốt, quà lưu niệm cũng tăng theo. Phấn khởi nhất là sau 2 năm chống dịch, giờ COVID-19 đã được kiểm soát, mọi hoạt động trong xã hội đã trở lại trạng thái bình thường mới, cơ sở đẩy mạnh hoạt động sản xuất trở lại, từ đó doanh thu bán hàng tăng theo…” - ông Nguyễn Văn Dũng phấn khởi.

Ngoài sản phẩm khô cá, mắm cá, các loại sản phẩm khác, như: Đường thốt nốt, khô bò, bánh bò Tân Châu, lạp xưởng heo, tung lò mò đều bán rất chạy. Mở cửa DL, sản phẩm mang tính vùng miền được tiêu thụ mạnh, điều này đã giúp cho lao động địa phương có việc làm ổn định. Đây là tín hiệu vui cho kinh tế của tỉnh nói chung và ngành DL nói riêng, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

MINH HIỂN