Mô hình thiết thực trong nhà trọ cho công nhân

18/04/2024 - 06:25

 - Khác với mô hình tổ tự quản được triển khai nhiều năm nay trong các nhà trọ, chương trình “Đến với nhà trọ công nhân” là món ăn tinh thần được tổ chức định kỳ bởi Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Hơn 1 năm luân phiên diễn ra ở các nhà trọ trên địa bàn tỉnh, hình thức sinh hoạt mới mẻ này đem đến không khí hào hứng, bổ ích cho người lao động (NLĐ) và thêm sự đồng hành của những đơn vị mới.

Lần thứ 2 trở lại nhà trọ Tư Nê (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn), bầu không khí trước giờ khởi động chương trình khác biệt rõ so năm 2023. Sau 1 ngày làm việc mệt mỏi, công nhân vẫn tươi cười, chủ động tham gia cùng ban tổ chức sắp xếp chỗ ngồi, háo hức chờ đợi những tiết mục sắp diễn ra. Lần này, có sự tham gia của Tỉnh đoàn, mang thêm nhiều màu sắc phong phú từ cách thức tổ chức vui nhộn, ấn tượng, lồng ghép hoạt náo tạo bầu không khí sôi động.

100 công nhân được tuyên truyền về Luật Công đoàn, kiến thức bảo vệ an toàn trên không gian mạng, lồng ghép tham gia gameshow, bốc thăm trúng thưởng. Đặc biệt, tuyên truyền đến NLĐ những kiến thức cơ bản để bảo vệ an toàn trên không gian mạng, cung cấp những kênh thông tin chính thống giúp NLĐ có thể truy cập nhằm hạn chế những hành vi sai phạm khi tham gia mạng xã hội. Ngoài những phần quà dành cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh còn tặng 9 bộ áo dài cho 9 nữ công nhân lao động. Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh An Giang Phan Thị Diễm cho biết, thông qua mô hình đã tạo được cầu nối hiệu quả để đoàn viên, NLĐ tiếp cận dễ dàng với các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi đoàn viên, công nhân lao động.

Sinh hoạt chương trình "Đến với nhà trọ công nhân" quý I/2024

Mô hình đã thành công khi đưa đến một món ăn tinh thần cho công nhân tại các Tổ tự quản nhà trọ công nhân, mở ra một hướng tuyên truyền trực tiếp kết hợp công nghệ, tạo nên cách thức tiếp cận gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ các kiến thức pháp luật để công nhân nắm bắt. Với đại đa số công nhân trong độ tuổi thanh niên, năm 2024, Tỉnh đoàn đồng hành với chương trình như một bước đệm để tiếp cận, tiến tới mở rộng thành lập chi hội nhà trọ công nhân, đưa vào nhà trọ những nội dung, chương trình bổ ích dành cho thanh niên.

Sau 1 năm tổ chức, chương trình diễn ra ở 5 nhà trọ, tại TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Châu Thành. Ngoài chuỗi nội dung bổ ích do cán bộ công đoàn cung cấp, thông tin tình hình an ninh trật tự của lực lượng công an, văn nghệ “cây nhà lá vườn”, tại mỗi nơi, Nhà Văn hóa lao động tỉnh dành tặng 5 suất quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Nghĩa cử này tác động đến tình cảm, suy nghĩ của NLĐ và chủ nhà trọ. Điển hình, tại nhà trọ Kim Anh (huyện Châu Thành), có gần 200 NLĐ tạm trú, chủ yếu là công nhân thuộc các công ty trong Khu công nghiệp Bình Hòa và số ít lao động tự do. Thấy số lao động được hỗ trợ nhận quà, ông Phước Hùng (chủ nhà trọ) nghĩ đến những người còn lại, liền trích số tiền để tặng cho tất cả công nhân ở trọ.

Điều ông Hùng tâm đắc khi chương trình “Đến với nhà trọ công nhân” diễn ra là công nhân được tuyên truyền các thông tin rất bổ ích liên quan Luật Lao động, Luật bảo hiểm xã hội, các kiến thức pháp luật, tình hình an ninh trật tự, “tín dụng đen”… Công nhân còn được giải đáp thắc mắc trực tiếp những vấn đề chưa hiểu rõ để học luật, nhớ luật dễ dàng hơn. Gần gũi với NLĐ, ông Hùng chứng kiến những trường hợp rất khó khăn, hoặc do hiểu biết không đầy đủ, ái ngại… đã vướng vào bẫy của “tín dụng đen”. Vì vậy, khi được trang bị kiến thức, công nhân sẽ bảo vệ bản thân tốt hơn, đồng thời chấp hành quy định pháp luật, nội quy làm việc tại công ty…

“Đến với nhà trọ công nhân” là món ăn tinh thần giúp NLĐ giảm bớt áp lực, mệt mỏi sau ngày làm việc. Chung nhà trọ nhưng mọi người ít có cơ hội gặp gỡ, ai cũng đi làm theo ca, về phòng lo ăn uống, ngủ nghỉ. Có chương trình này, anh em ngồi bên nhau tâm tình trao đổi, ca hát vui vẻ. Tôi mong chương trình được tổ chức nhiều hơn. Trừ những công nhân làm ca khuya, còn lại ai cũng nhiệt tình tham gia, mỗi đợt diễn ra trên 100 công nhân ngồi dự, rất ấm cúng và gắn kết” - ông Hùng chia sẻ.

Theo Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh An Giang Phan Thị Diễm, hơn 1 năm qua, mô hình tạo sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị đưa kiến thức pháp luật đi vào đời sống công nhân lao động. Đặc biệt, ban tổ chức chú trọng tuyên truyền về vai trò, chức năng của công đoàn để thu hút NLĐ tham gia vào tổ chức công đoàn Việt Nam. Những công nhân tham gia chương trình sẽ là “cánh tay nối dài”, những “tuyên truyền viên” vận động NLĐ gia nhập công đoàn tại nơi làm việc.

“Chương trình mang đến sân chơi kiến thức hấp dẫn theo định kỳ. Ở những nơi quay lại tổ chức lần thứ 2, chúng tôi nhận thấy công nhân mạnh dạn hơn, thích thú với nội dung chương trình đem đến. Tiếp nhận phản hồi tích cực từ chủ trọ và công nhân, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp các đơn vị để chương trình đến với công nhân càng thiết thực, đạt hiệu quả như mong muốn” - bà Phan Thị Diễm chia sẻ.

HOÀI ANH