Mối nguy của những ca COVID-19 nhập cảnh trái phép ở Đông Nam Á

26/04/2021 - 19:52

Người Việt đang làm ăn, học tập và sinh sống tại Lào, Campuchia, Thái Lan lên tới hàng chục nghìn người là yếu tố khiến COVID-19 có nguy cơ cao xâm nhập Việt Nam qua hình thức nhập cảnh trái phép.


Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng tại ba quốc gia vốn được coi là khá an toàn và hiệu quả trong việc phòng chống đợt dịch bùng phát đầu tiên hồi năm ngoái là Lào, Campuchia và Thái Lan.

Diễn biến này đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống COVID-19 tại khu vực, trong bối cảnh những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch đầu tiên như Indonesia, Malaysia và Philippines cũng chưa thể kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khi mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới.

Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Campuchia đã phải phong tỏa toàn bộ thủ đô Phnom Penh ngay trong ngày Tết cổ truyền Chol Chnnam Thmey 2021 (14-16-4), bởi số ca mắc COVID-19 do “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” ngày càng tăng nhanh.

Nếu trong tháng đầu sau sự cố lây nhiễm này, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày trung bình ở Campuchia ở mức hai chữ số, thì từ giữa tháng Tư, con số này thường xuyên lên tới vài trăm, riêng ngày 25-4 ghi nhận 616 trường hợp nhiễm mới. Số ca tử vong theo ngày cũng đã tăng lên mức hai chữ số với 10 ca ghi nhận ngày 24-4. Tính đến nay, dịch COVID-19 đã lan ra khắp 22/25 tỉnh thành của Campuchia.

Ngoài thủ đô Phnom Penh, biện pháp phong tỏa cũng được áp dụng tại thành phố Ta Khmao, thành phố Preah Sihanouk. Một loạt các chợ đã buộc phải đóng cửa, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đã phải ngừng hoạt động.

Tại nước láng giềng Lào, ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ghi nhận ngày 11-4 sau hơn một năm gần như “trắng dịch” đã khiến chính phủ nước này phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa mới trong thời gian Tết cổ truyền Boun Pi May.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu diễn biến phức tạp kể từ ngày 20-4, khi thủ đô Vientiane chính thức có ca nhiễm đầu tiên. Chỉ trong vòng năm ngày sau đó, số ca nhiễm cộng đồng tại Lào đã nhiều gấp 4 lần tổng số ca nhiễm trong cả năm 2020, hiện lên tới hơn 340 ca.

Thủ đô Vientiane là nơi đầu tiên phải áp đặt lệnh phong tỏa và tới nay, ít nhất 17/18 tỉnh/thành của Lào, được đưa vào danh sách này. Điều đặc biệt lo ngại là số tỉnh có ca mắc mới ngày một tăng, cho thấy bệnh dịch đang có xu hướng lan rộng tại Lào, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam (Lào và Việt Nam mỗi bên có 10 tỉnh tiếp giáp nhau).

Tại Thái Lan, từ ngày 23-4, số ca mắc mới theo ngày liên tục vượt con số 2.000, trong đó đỉnh điểm là ngày 24-4 ghi nhận "kỷ lục" 2.839 ca, tăng tới 769 ca so với một ngày trước đó.

Ngày 25-4, Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận số người tử vong vì COVID-19 trong một ngày ở mức hai chữ số. Hệ thống y tế Thái Lan đang đứng trước nguy cơ quá tải, thậm chí nhiều người tuyệt vọng phải dùng đến mạng xã hội để tìm giường bệnh cho gia đình và bạn bè.

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất được công bố ngày 25-4, đa số người dân Thái Lan (68,4%) cảm thấy lo lắng và sợ hãi hơn so với hai đợt bùng phát trước của COVID-19.

Việc dịch bệnh tái bùng phát mạnh gần như đồng thời ở Campuchia, Lào và Thái Lan khiến giới chức các nước này liên tục phải đưa ra cảnh báo. Các chuyên gia cũng ngay lập tức xác định những nguyên nhân khiến cả ba nước từng nằm trong danh sách chống dịch hiệu quả hồi năm ngoái nay lại phải đương đầu với làn sóng lây nhiễm mới. Tuy nhiên, có một nguyên nhân được đánh giá là "điểm chung," đó là mối nguy từ các ca bệnh nhập cảnh trái phép và trốn cách ly.

Đơn cử như “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2” - nguồn cơn của đợt dịch lần này ở Campuchia, bắt đầu từ việc bốn người Trung Quốc mắc COVID-19 trốn cách ly khỏi khách sạn Sokha ở thủ đô Phnom Penh và đi tới nhiều địa điểm, làm nhiều người bị lây nhiễm. Trong khi đó, đợt dịch mới ở Lào xuất phát từ các trường hợp nhập cảnh trái phép từ Thái Lan sang Lào.

Các ca lây nhiễm mới tại Lào đều có liên quan đến bệnh nhân số 59 ở thủ đô Vientiane, người đã tiếp xúc với hai người Thái Lan nhập cảnh bất hợp pháp vào Lào từ ngày 6-4 và đưa họ đi chơi rất nhiều địa điểm đông người ở Vientiane trong dịp trước và trong Tết Boun Pi May (từ ngày 14-16-4).

Chỉ sau 6 ngày kể từ khi phát hiện bệnh nhân số 59, thủ đô Vientiane đã thêm 242 ca lây nhiễm mới, chiếm 92% số ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận trên khắp cả nước Lào trong làn sóng dịch thứ hai. Tất cả các ca nhiễm đều liên quan đến các ổ dịch ở thủ đô Vientiane, nơi bệnh nhân số 59 và nhóm bạn đã lui tới.

Không chỉ vậy, tại Vientiane, một số người lấy mẫu xét nghiệm xong nhưng không tự cách ly theo khuyến cáo mà tiếp tục di chuyển đến nhiều nơi, dẫn đến tình trạng “gần như mọi nơi ở Vientiane đều có nguy cơ lây nhiễm."

Một số người mới có kết quả xét nghiệm dương tính đã di chuyển ra nhiều tỉnh bằng cả đường bộ và đường hàng không, gây ra lo ngại về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trên diện rộng. Còn tại Thái Lan, một trong những nguồn lây nhiễm chính là các lao động nhập cư bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, làn sóng dịch mới ở các nước Đông Nam Á liên quan tới việc người dân không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội khi tham gia các hoạt động cộng đồng, đặc biệt trong những đợt lễ tết. Khi Chính phủ Thái Lan cho phép tổ chức đón Tết cổ truyền Songkran 2021, mặc dù cấm các hoạt động té nước truyền thống, việc nhiều người tới các quán bar, các tụ điểm vui chơi ban đêm hay đi du lịch hoặc về quê thăm người thân càng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. Ước tính khoảng 40% các ca nhiễm mới trong tháng 4 tại thủ đô Bangkok có liên quan đến các quán bar hay địa điểm vui chơi ban đêm, còn ở các tỉnh khác con số này là khoảng 25%.

Tâm lý chủ quan này được cho xuất phát từ việc cả Campuchia, Lào và Thái Lan đều là những nước đã kiểm soát khá hiệu quả làn sóng lây nhiễm đầu tiên, như Lào suốt hơn 1 năm không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng nào. Hơn nữa, các nước này đều đã tiến hành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sự xuất hiện của nhiều biến thể mới của SARS-CoV 2 khiến COVID-19 vẫn có khả năng lây lan bởi những loại vaccine đang lưu hành được đánh giá không hiệu quả đối với các biến thể.

Tình hình dịch COVID-19 trong khu vực diễn biến hết sức phức tạp khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Mặc dù Việt Nam về cơ bản đã khống chế thành công ba đợt lây nhiễm trước đây, song trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ có thể xuất hiện đợt dịch thứ tư đang hiện hữu.

Cộng đồng người Việt đang làm ăn, học tập và sinh sống tại ba nước nêu trên lên tới hàng chục nghìn người, Việt Nam có đường biên giới dài hơn 2.300km với Lào, có biên giới trên cả đường bộ lẫn đường biển với Campuchia..., đây là những yếu tố khiến COVID-19 có nguy cơ cao xâm nhập Việt Nam qua hình thức nhập cảnh trái phép.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước trên một mặt tích cực hỗ trợ bà con kiều bào chống dịch, một mặt khuyến cáo bà con người không tự ý xuất/nhập cảnh trái phép làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, đề nghị công dân Việt Nam có nguyện vọng về nước đăng ký với Đại sứ quán và các tổng lãnh sự quán để được hỗ trợ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã có thông báo khuyến nghị cộng đồng người tại Lào thực hiện nghiêm túc các quy định của Lào và Việt Nam về phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, không rời khỏi nơi cư trú trừ trường hợp cần thiết trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa.

Trong thông điệp gửi tới cộng đồng người gốc Việt và công dân Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã kêu gọi bà con bình tĩnh, cố gắng thực hiện nghiêm mọi chính sách, quy định và biện pháp phòng chống dịch của chính quyền địa phương.

Theo đánh giá của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh, tốc độ và tỷ lệ tiêm chủng của Campuchia cao hàng đầu ở Đông Nam Á và cả trên thế giới bởi Campuchia chỉ có khoảng 16 triệu dân.

Chính quyền sở tại đã cho bà con gốc Việt ở trên 10 tỉnh, thành phố đăng ký tiêm chủng như công dân Campuchia. Đại sứ quán Việt Nam đề nghị bà con gốc Việt và công dân Việt Nam tuân thủ tuyệt đối các quy định phong tỏa, không cố gắng di chuyển sang Việt Nam theo các đường dây đưa người trái phép.

Hiện nay, các cửa khẩu và đường biên được lực lượng an ninh và biên phòng cả hai nước kiểm soát rất nghiêm ngặt và có hình phạt nghiêm khắc với người vượt biên trái phép, bao gồm phạt tiền và tù giam.

Đại sứ Vũ Quang Minh nhấn mạnh khi Campuchia dỡ bỏ các quy định phong tỏa và cấm đi lại giữa các tỉnh, công dân Việt Nam có thể nhập cảnh chính thức dễ dàng và thuận tiện qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ giữa Campuchia và Việt Nam, cách ly theo quy định với chi phí rất thấp.

Có thể nói làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới trên diện rộng ở Lào, Campuchia và Thái Lan, cũng như việc một loạt quốc gia trong khu vực hơn một năm nay vẫn đang "gồng mình" ứng phó với tốc độ lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 (như Philippines trung bình ghi nhận trên dưới 9.000 ca mắc mới mỗi ngày), cho thấy COVID-19 tiếp tục là một thách thức lớn đối với khu vực Đông Nam Á.

Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễna ra ngày 24-4 vừa qua, lãnh đạo các nước nhấn mạnh một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN hiện nay là đẩy mạnh ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Các nước thống nhất tiếp tục triển khai hiệu quả các sáng kiến ứng phó COVID-19 đã được thông qua trong năm 2020, trước mắt, sớm hoàn tất và thực hiện kế hoạch sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để mua vaccine phòng bệnh cho người dân cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, tại từng nước ASEAN, chính quyền các cấp cũng đang tiếp tục thúc đẩy cách biện pháp chống dịch trên tinh thần chủ động và quyết liệt. Song có lẽ điều quan trọng nhất là các nước khu vực cần rút ra "bài học" từ những đợt bùng phát dịch mới đây ở Lào, Campuchia, Thái Lan... để ngăn chặn "mối nguy" từ những ca bệnh nhập cảnh trái phép hay từ tâm lý lơ là, chủ quan mất cảnh giác của người dân.

Theo TTXVN/Vietnam+