Một "địa chỉ đỏ" tại Làng quốc tế Thăng Long

23/05/2021 - 08:17

Một chiều thứ bảy, tôi có dịp tham quan Bảo tàng Tố Hữu tại Làng quốc tế Thăng Long (quận Cầu Giấy). Bước vào cổng, tôi ấn tượng với hai câu thơ: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau”, cùng bức tượng nhà thơ Tố Hữu hướng mặt về phía bảo tàng như đang đón chào khách tham quan.

Nếu như Nhà lưu niệm Tố Hữu trước đây là nơi lưu trữ hiện vật, ký ức của nhà thơ thì Bảo tàng Tố Hữu đã được nâng cấp khi áp dụng những kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực bảo tàng. Chính thức khai trương và đón khách tham quan từ tháng 10-2020, Bảo tàng Tố Hữu đã tận dụng tối đa các phương tiện thông tin, cung cấp cho người xem các tư liệu, thông tin phong phú về cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như sự nghiệp thơ ca của ông. Bảo tàng được chia làm 9 phần, mỗi phần trưng bày những tài liệu, hiện vật về một bài thơ hoặc một tập thơ đã làm nên tên tuổi của Tố Hữu. Tôi dừng lại bên phần trưng bày tập thơ “Từ ấy”, tự tay ấn chọn phần nghe bài “Từ ấy” qua giọng đọc của NSND Thúy Mùi mà như cảm nhận được trái tim đầy nhiệt huyết khi đến với lý tưởng cách mạng của ông.

Ngoài ra, khách tham quan còn được xem những thước phim tài liệu, được nghe những nhà lý luận, phê bình thơ, những người yêu thơ nói về cuộc đời cách mạng và các tác phẩm của Tố Hữu. Bảo tàng trưng bày các tài liệu, hiện vật thông qua các lát cắt lịch sử giữa các mốc sự kiện cuộc đời nhà thơ Tố Hữu được đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể của đất nước và thế giới. Thông qua cách trưng bày này, người xem có thể biết được những ngày đầu hoạt động cách mạng và làm thơ của Tố Hữu.

Khách đến tham quan Bảo tàng Tố Hữu.

Bảo tàng Tố Hữu xoay quanh hiện vật với nhiều câu chuyện. Đó có thể là những câu chuyện được ghi lại qua lời kể của nhà thơ lúc sinh thời, từ người thân của nhà thơ kể lại, hay do chính các nhà yêu thơ đánh giá. Bà Phạm Kim Ngân, quản lý Bảo tàng Tố Hữu, người có 20 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực bảo tàng đánh giá: “Điều đặc biệt của Bảo tàng Tố Hữu là gia đình đã lưu trữ được toàn bộ hệ thống bản thảo lưu giữ bút tích của nhà thơ với tổng cộng hơn 60 bản. Bảo tàng Tố Hữu quan tâm đến bối cảnh và tận dụng tối đa không gian sẵn có. Cách trưng bày đặt từng sự kiện của nhà thơ vào trong bối cảnh lịch sử của đất nước và thế giới giúp cho người tham quan vừa tìm hiểu về nhà thơ Tố Hữu, vừa có dịp được học lịch sử”.

Mở cửa miễn phí vào thứ bảy hằng tuần, Bảo tàng Tố Hữu thu hút đông đảo người dân đến tham quan, từ các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên... Hầu hết những người đến với bảo tàng vì mến mộ tên tuổi, cuộc đời của nhà thơ Tố Hữu và những bài thơ đi cùng năm tháng của ông. Ngoài Bảo tàng Tố Hữu, gia đình nhà thơ đã phục dựng lại phòng làm việc, phòng khách nơi nhà thơ Tố Hữu đã từng sống và làm việc. Em Vũ An Nhi, học sinh lớp 6A4, Trường THCS Ngô Gia Tự (phường Đức Giang, quận Long Biên), cho biết: “Cháu biết đến nhà thơ Tố Hữu thông qua những bài thơ được học, qua lời giảng của thầy, cô trên lớp. Hôm nay đến bảo tàng, cháu rất xúc động và vui mừng khi được biết thêm nhiều câu chuyện ý nghĩa về cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp thơ ca của ông”.

Theo PHÚC ĐIỀN (Nhân Dân)