Một số quy định mới có hiệu lực thi hành

21/05/2024 - 06:44

 - Từ ngày 1/7/2024, 11 luật có hiệu lực pháp luật. Trong đó, Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết sửa đổi, bổ sung Điều 252 Luật Đất đai, quy định về hiệu lực của luật để sớm thi hành đối với đạo luật quan trọng này.

Dự thảo tờ trình của Chính phủ do Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, Luật Đất đai được kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Riêng Điều 190 và 248 có hiệu lực từ ngày 1/4/2024, đánh dấu đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai.

Để tổ chức triển khai thi hành luật, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo 6 nghị định, 4 thông tư; Bộ Tài chính soạn thảo 2 nghị định và 1 thông tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách 1 nghị định; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ soạn thảo 1 thông tư.

Hiện nay, các bộ tập trung xây dựng văn bản quy định chi tiết về Luật Đất đai. Đối với các địa phương, quyết định phân công trách nhiệm cụ thể của HĐND, UBND cấp tỉnh, khẩn trương ban hành nội dung đã quy định chi tiết trong đạo luật.

Qua đó, Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết sửa đổi, bổ sung điều 252 Luật Đất đai, quy định về hiệu lực của luật để thi hành từ ngày 1/7/2024. Dự thảo nêu rõ, việc sớm có hiệu lực sẽ góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, hướng đến mục tiêu phát huy cao nhất nguồn lực đất đai.

Đại biểu đóng góp Luật Các tổ chức tín dụng 2024

Luật Giá 2023 được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV thông qua ngày 19/6/2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, riêng Điều 60 có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật Giá gồm 8 chương, 75 điều, có nhiều điểm mới. Thứ nhất, luật bổ sung áp dụng với các luật có liên quan nhằm khắc phục cơ bản tồn tại, hạn chế giữa với luật chuyên ngành.

Theo đó, Luật Giá điều chỉnh toàn diện vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá. Luật bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá theo từng nhóm đối tượng cụ thể, như đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá.

Luật bổ sung hành vi mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá. Đối với cá nhân, tổ chức, luật bổ sung hành vi cản trở hoạt động quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá giả, hoặc sử dụng chứng thư thẩm định giá; làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá khi không đủ điều kiện kinh doanh; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không là thẩm định viên về giá.

Đối với doanh nghiệp (DN) thẩm định giá, luật bổ sung hành vi cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho người có liên quan với DN thẩm định giá theo quy định của pháp luật về DN; phát hành khống chứng thư thẩm định giá; mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ, hoặc giá trị tài sản thẩm định giá để vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá… 

Với nhiều điểm mới, Luật Căn cước công dân (CCCD) đổi thành Luật Căn cước 2023. Thẻ CCCD được cấp trước ngày 1/7/2024 sử dụng đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Cùng với chứng minh nhân dân, thẻ CCCD tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30/6/2024, chứng minh nhân dân hết hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Luật Căn cước bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú.

Luật đã mở rộng, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi có nhu cầu được cấp thẻ căn cước, người có nơi thường trú hoặc nơi tạm trú hay nơi ở hiện tại được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cấp thẻ... Đáng lưu ý, luật bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Theo đó, giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên; có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Luật bổ sung quy định, mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử, được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID). Căn cước điện tử thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân. Bên cạnh đó, luật quy định thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện cấp thẻ căn cước; thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp...

Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023, có 10 chương, 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước... Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, với nhiều điểm mới. Luật quy định trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành, địa phương về bảo đảm an ninh nguồn nước.

Trong đó, các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước thể hiện xuyên suốt chương, điều luật. Luật quy định chính sách khuyến khích sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội đối với hoạt động liên quan đến tài nguyên nước; chính sách ưu đãi dự án đầu tư xây dựng công trình điều tiết, tích trữ nước, khai thác nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, phục hồi, phát triển nguồn nước.

Cùng với các đạo luật trên, Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023, Luật Viễn thông 2023, Luật Giao dịch điện tử 2023, Luật Phòng thủ dân sự 2023, Luật Hợp tác xã 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 sắp có hiệu lực thi hành, với rất nhiều điểm mới.

N.R