Nhân viên y tế di chuyển hành khách nhiễm COVID-19 trên chuyến bay từ Nam Phi tới một khách sạn cách ly ở Hà Lan hôm 27/11. Ảnh: Shutterstock
Cầm trên tay tách cafe tại văn phòng làm việc hôm 23/11, Tulio de Oliveira, Giám đốc trung tâm ứng phó dịch bệnh Nam Phi, chia sẻ với một đồng nghiệp về một bí mật. “Có chuyện đang xảy ra. Họ đã phát hiện một biến thể chưa từng gặp từ trước đến nay”, ông Oliveira nói với Alex Sigal, một chuyên gia virus học tại một phòng thí nghiệm ở Nam Phi.
Tại thời điểm đó, số ca mắc mới ở Nam Phi tăng mạnh. Các chuyên gia phòng thí nghiệm vẫn tiếp tục kiểm định các mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính. Lần này, họ phát hiện thấy một nhân tố không xuất hiện trên protein gai của virus, một tín hiệu cho thấy virus có thể đã biến đổi. Kết quả giải trình tự gien sau đó cho thấy mẫu mới có nhiều hơn hơn hàng chục đột biến so với chủng gốc.
Đến ngày 25/11, Giáo sư Oliveira thông báo tới Tổng thống Nam Phi nội dung: Một biến thể mới với các dấu hiệu đáng lo ngại là nguyên nhân đứng sau làn sóng dịch mới ở nước này. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế và các nhà khoa học Nam Phi chính thức ra thông báo về B.1.1.529, biến thể một ngày sau đó được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên chính thức là Omicron và liệt vào diện “biến thể đáng lo ngại”.
Việc chia sẻ và công bố thông tin về Omicron được tiến hành ở cấp độ đặc biệt nhanh, gần như chưa có tiền lệ. Những tác động, ảnh hưởng cũng rất rõ ràng: Chưa hiểu hết về nguy cơ của biến thể mới đến đâu, chính phủ nhiều nước ở châu Âu, châu Á, Trung Đông và châu Mỹ ngay lập tức áp quy định hạn chế hoạt động di chuyển bằng đường hàng không đến và đi từ miền nam châu Phi. Thông tin về Omicron cũng giáng đòn mạnh vào kỳ vọng thế giới sớm trở lại bình thường, khiến giá dầu, thị trường chứng khoán, trái phiếu toàn cầu rớt mạnh.
Omicron vẫn còn là điều bí ẩn với giới khoa học. Nhưng có một điểm quan ngại rất rõ: Biến thể này có tới 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc mà virus dựa vào đó để xâm nhập vào tế bào con người. Giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống đại dịch của thế giới sẽ phụ thuộc vào việc 32 đột biến này có sức tàn phá, khả năng lây nhiễm ra sao.
Những câu hỏi về đột biến: Số lượng gia tăng hàng chục đột biến cũng có nghĩa Omicron có khả năng thoát khỏi lớp phòng vệ miễn dịch của cơ thể người. Một số thí nghiệm do các nhà khoa học Mỹ khảo cứu trước thời điểm siêu biến thể xuất hiện cho thấy có nhiều đột biến khiến kháng thể giảm hiệu lực. Micron có một số đột biến thuộc diện này.
Nhưng để biết chính xác khả năng kháng kháng thể đến đâu cần phải có thêm thời gian, khảo cứu trên thực tế. Omicron chứa hàng loạt đột biến như K417N, N501Y, N440K, G446S... Trong đó đột biến K417N từng xuất hiện ở biến thể Delta. Đến nay, Omicron được coi là biến thể tồi tệ nhất trong đại dịch vì lượng đột biến khổng lồ và tính vượt trội của các đột biến đó.
Còn quá sớm để khẳng định Omicron khiến người nhiễm chuyển biến nặng hơn hay chỉ là triệu chứng thể nhẹ. Hiện tại, các bệnh nhân nhiễm biến thể này sẽ cần nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, mới rõ được tình trạng diễn tiến của bệnh. Một số hãng dược lớn như BioNTech, Pfizer, Moderna ra tuyên bố sẵn sàng nghiên cứu, điều chỉnh vaccine để thích ứng với Omicron nếu cần thiết.
Xét nghiệm COVID-19 tại Hà Lan sau khi giới chức nước này cho biết 61 người đã nhiễm virus trên các chuyến bay khởi hành từ Nam Phi. Ảnh: Reuters
Quay trở lại câu chuyện ở Nam Phi. Ca nhiễm Omicron đầu tiên được xác định trong ngày 11/11 ở tỉnh Gauteng, một trung tâm kinh tế lớn của Nam Phi. Cùng ngày, Gauteng ghi nhận 120 ca nhiễm mới, dù trước đó khu vực này có tỉ lệ lây nhiễm thấp kỉ lục từ đầu dịch. Đến ngày 28/11, số ca nhiễm tại Gauteng lên đến 2.308 ca. Xét nghiệm PCR cho thấy một điểm bất thường với gần như toàn bộ số bệnh nhân này: Đó là việc thiếu vắng gien S vốn là đặc tính phổ quát của biến thể Delta.
Nếu như trước đây xét nghiệm ở Gauteng cho tỉ lệ dương tính là dưới 1%, nay tỉ lệ này đã lên tới 20%. Điều này cho thấy số người mắc COVID-19 trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với báo cáo. Giáo sư Olivera nhận định rất có thể đã có hàng chục nghìn ca nhiễm ở Nam Phi trong vài tuần trở lại đây.
Thời gian và những bài kiểm nghiệm then chốt: Hiện cũng chưa đủ thông tin để khẳng định giả thuyết người đã nhiễm bệnh và bình phục có thể đối diện với nguy cơ tái nhiễm trước biến thể Omicron. Đó là một lý do khiến WHO theo dõi sát diễn biến liên quan đến Omicron.
Tại thời điểm WHO công bố Omicron là “biến thể đáng lo ngại”, một loạt nước châu Âu đã ra quyết định đóng cửa với du khách đến từ Nam Phi. Bỉ ngay sau đó ghi nhận ca nhiễm Omircon đầu tiên, là một phụ nữ bay từ Ai Cập qua Thổ Nhĩ Kỳ. Kế đến, Đức ghi nhận hai ca ở Munich, là hai hành khách khởi hành từ Cape Town, Nam Phi. Trong 61 hành khách được xác định dương tính với SARS-CoV-2 trên chuyế bay của hãng KLM tới Amsterdam, có 13 ca nhiễm Omicron.
Sẽ phải mất ít nhất hai tuần để các nhà khoa học đánh giá tương đối chính xác về cấp độ nguy hiểm của siêu biến thể mới. Manh mối đầu tiên sẽ đến từ nơi được cho là điểm khởi phát của Omicron – đó là Nam Phi, cụ thể là tỉnh Gauteng. Con đường, cách thức lây nhiễm tại đây sẽ cho thấy Omicron lây lan ra sao ở một khu vực trước đó có ca nhiễm đứng ở mức thấp nhất, tại một nước mà độ che phủ vaccine còn rất thấp. Mới chỉ có 25% trong tổng số 60 triệu dân Nam Phi hoàn tất tiêm chủng.
Tại châu Âu, nơi tỉ lệ tiêm chủng đạt 67% tổng dân số, Omicron sẽ là một “thuốc thử” hoàn toàn khác. Siêu biến thể này xuất hiện tại thời điểm cựu lục địa đang ở giữa một làn sóng lây nhiễm mới, đa phần là do biến thể Delta gây ra. Như vậy, sẽ có một cuộc chiến giữa hai biến thể Delta và Omicron.
Ngay cả khi Omicron không đến mức nguy hiểm như giới chuyên gia từng lo ngại, sự xuất hiện của siêu biến thể này vẫn tạo ra bức tranh u ám, đi kèm đó là thách thức kéo dài trong nhiều năm. Các hãng hàng không, giới đầu tư, bệnh viện và người đứng đầu chính phủ sẽ buộc phải chấp nhận rằng sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ thường trực về một biến thể mới.
Nói một cách hình ảnh như tiến sĩ Sigal, “sẽ có thêm nhiều chữ cái Hy Lạp mà chúng ta cần phải học” (WHO quy định đặt tên biến thể của SARS-CoV-2 theo chữ cái Hy Lạp).
Theo TUẤN LINH (Báo Tin Tức)