"Mùa bình thường, mùa vui nay đã về...”

28/01/2022 - 04:00

 - Năm 2021 đi vào lịch sử, với đủ gam màu mạnh: Từ xám xịt, buồn thương của “siêu bão” COVID-19; rồi xanh trong, ấm áp tình người, đến đỏ thắm, vươn mình sau giấc “ngủ đông”. Trong số báo cuối cùng tiễn năm cũ, chúng tôi muốn gửi vào đây những định hướng, ước vọng, khát khao, niềm tin mãnh liệt vào tân niên Nhâm Dần 2022 - mùa xuân “bình thường mới” đầu tiên.

Đại lộ, đại phú

Đầu năm 2022, An Giang đón nhận niềm vui vô bờ bến, khép lại tâm tình mong đợi mấy mươi năm, mở ra khát khao “đại lộ, đại phú”. Đến dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cảm thấy “nhẹ lòng”, vì hoàn thành lời hứa - khi ông là Thủ tướng Chính phủ - với người dân An Giang, với quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đây là tuyến tránh cuối cùng đi qua đô thị trung tâm của một tỉnh được xây dựng, hoàn tất mảnh ghép trong bức tranh tổng thể về giao thông ở vùng ĐBSCL.

Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Khu lưu niệm Bác Tôn. Ảnh: N.C

Tuy tổng vốn đầu tư không quá lớn (2.106 tỷ đồng), nhưng dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên rất có ý nghĩa. Bởi, trong tổng thể dự án kết nối đồng bằng Mekong, các dự án thành phần trước đó (như: Cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống, cầu Vàm Cống, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) đều được hoàn thành, đưa vào khai thác.

Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường góp phần giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ghi lại khoảnh khắc vui tươi trong mùa xuân

Sau thời gian vất vả ứng phó với dịch bệnh COVID-19, An Giang đang từng bước thích ứng linh hoạt và phục hồi kinh tế. Sự kỳ vọng của lãnh đạo Trung ương; niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; các dự án giao thông lớn được đầu tư… là điều kiện, thời cơ để thúc đẩy kinh tế An Giang phát triển bền vững.

Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết, An Giang cũng như vùng Tứ giác Long Xuyên giữ vai trò trọng yếu của đất nước, có đường biên giới dài, là phên giậu cuối cùng của quốc gia. An Giang lại có đường giao thông thủy quốc tế lớn duy nhất và quan trọng của đất nước; là vựa lúa, vựa thủy sản quan trọng. Đặc biệt, đây là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu. Đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho An Giang và vùng Tứ giác Long Xuyên phát triển là rất cần thiết. Đảng, nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư, chú trọng đối với khu vực này.

Cụ thể, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường cao tốc mà Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch, như: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Giá… Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang.

Vực dậy thế mạnh nông nghiệp

An Giang là tỉnh nông nghiệp, mọi hoạt động đều hướng về thế mạnh vượt trội này. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bất kỳ dự án nào đầu tư vào nông nghiệp cũng được hoan nghênh, miễn là có lợi cho ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân. Điều quan trọng là phải chia sẻ lợi ích công bằng với nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Hệ thống silo hiện đại của Nhà máy gạo Hạnh Phúc. Ảnh: N.C

“Với lợi thế lớn về nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, nguồn lao động, cùng hệ thống hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư, An Giang sẽ phát huy được truyền thống, niềm tự hào trên quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến để vươn mình phát triển, đóng góp quan trọng vào tiến trình đi lên của đất nước” - Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.


Đầu năm 2022, Tập đoàn Tân Long đầu tư xây dựng nhà máy gạo có quy mô lớn nhất Châu Á (diện tích 161.000m2) - Nhà máy gạo Hạnh Phúc (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn), đồng thời có kế hoạch liên kết bao tiêu lúa với hợp tác xã, nông dân trong khu vực.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dù khó khăn, nhưng năm 2021, ngành nông nghiệp đóng góp 48,9 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu. Việc đẩy mạnh đầu tư nhà máy gạo hiện đại là cần thiết, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo. Tập đoàn Tân Long cũng như các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với địa phương, nhà nông học nghiên cứu vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, xây dựng mối liên kết chặt chẽ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh An Giang cần khuyến khích sản xuất, mở rộng hạn điền, phát triển mô hình sản xuất mới, quy mô lớn, có sự tham gia của nông dân. “Cần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, đào tạo lao động trong nông nghiệp, khuyến khích phong trào khởi nghiệp khai thác thế mạnh nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp; chú trọng chất lượng, giá trị thay vì chạy theo số lượng. Tỉnh An Giang cần nghiên cứu xây dựng hạ tầng vùng trồng lúa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất lớn” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc là một trong những kết quả quan trọng từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, hội nghị được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo với vai trò khi đó là Thủ tướng Chính phủ. Điều này thể hiện An Giang luôn tạo thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh.

“Tết 5K”

Dịch bệnh COVID-19 vẫn hiện hữu, gây áp lực nặng nề lên cuộc sống nhân loại. Nhưng chúng không thể ngăn con người tìm cách quay về cuộc sống “bình thường mới”, tìm ra phương án mới để kinh doanh, sinh hoạt, học tập… Đặc biệt, cả đất nước đang lạc quan, hân hoan chào đón Tết cổ truyền, như lời bài hát: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…” (Mùa xuân đầu tiên - Văn Cao).

Người dân lựa chọn mẫu trang trí nhà cửa đón Tết Nhâm Dần 2022

Thiếu nhi nhận quà Tết

Bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên khó khăn về nhà ở

Sau thời gian cẩn trọng, dè dặt và “trông ngóng” tình hình dịch bệnh diễn tiến, giờ đây, gần như mọi hoạt động mang hơi thở Tết đến, xuân về được tổ chức rộng khắp. Người người rộn rã dự họp mặt, tổng kết cuối năm; thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà; tham quan triển lãm mỹ thuật, triển lãm chuyên đề… Dẫu niềm hân hoan, nụ cười vẫn bị khuất sau khẩu trang, nhưng chẳng sao cả, “bình thường mới” mà!

Sân khấu hóa không gian ngày Tết

Mùa xuân “bình thường mới” đầu tiên này còn có tên gọi khác là “Tết 5K”. Mọi người được tạo điều kiện về quê dịp Tết Nguyên đán, không phải lo lắng cách ly y tế, xét nghiệm, kiểm soát… Họ chỉ cần thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, gồm: “5K”, tự theo dõi sức khỏe. Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19, như: Sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định. Tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi đều phải tuân thủ thông điệp “5K”: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế. Nhắc mãi chẳng thừa đâu, bởi tâm lý chủ quan “có vaccine”, “dịch ổn rồi”, “bữa hổm nhiễm rồi” vẫn len lỏi trong người này, người khác.

Chở Tết về nhà. Ảnh: G.K

Xuân năm nay, vắng tiếng đì đùng rộn rã của pháo hoa giao thừa, chắc nhiều người cảm thấy không quen, thiêu thiếu. Các chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân Nhâm Dần 2022 vẫn được tổ chức, nhưng phát trên nền tảng mạng xã hội, trên sóng truyền hình, thay vì tổ chức tại nơi công cộng. Mọi người sẽ rất nhớ cảm giác chen chân giữa dòng người, đổ về khu trung tâm, xem văn nghệ, đếm ngược thời khắc chia tay năm cũ, đón rước năm mới.

Lãnh đạo tỉnh dâng hoa lên Tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: THANH HÙNG

Nhưng cái thiêu thiếu ấy lại trở nên phù hợp trong tình hình mới. Chúng ta đừng quên giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh hoành hành, hàng chục ngàn người vĩnh viễn nằm lại ở năm 2021. Để bức tranh năm mới tươi đẹp, mùa Tết này, trong mọi hoạt động mua sắm, thăm hỏi, du xuân, tiệc tùng… luôn luôn áp dụng biện pháp phòng, chống dịch. Hoặc, chúng ta dành nhiều thời gian quây quần bên gia đình, cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc của đoàn viên - điều đơn giản mà mong manh giữa dịch bệnh. Đi qua mất mát, thăng trầm, mới nhận ra rằng, chẳng gì đánh đổi được với gia đình!

Tạm gác bao lo toan, vất vả của ngày cũ, chúng ta cùng tận hưởng những ngày xuân bình yên, chuẩn bị tâm thế cho năm mới bận rộn: Trẻ nhỏ đến trường, người lao động trở lại làm việc, công trình khẩn trương xây dựng, nông dân chăm sóc ruộng đồng… Một năm rất dài, chưa thể lường trước điều gì, nhưng chúng ta đủ niềm tin, đủ kinh nghiệm, đủ khát khao để vượt qua và thành công hơn!

Đón Tết trong tâm thế “bình thường mới” bao hàm việc thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, gỡ bỏ tâm lý lo lắng thái quá, nhưng vẫn bảo đảm phòng dịch cho chính mình, gia đình và cộng đồng. Có như thế, năm mới thực sự đến một cách trọn vẹn, vui tươi.

NGÔ CHUẨN - GIA KHÁNH