Mùa hoa Tết nhiều nỗi lo

02/12/2020 - 06:23

 - Bắt đầu tháng 9 âm lịch, nông dân trên địa bàn tỉnh đã khởi động vụ hoa Tết. Từ những nơi tập trung đến nhỏ lẻ, trồng chuyên quanh năm hay xen vụ nối tiếp từ rau màu, ai cũng mong có thêm khu nhập khá từ hoa kiểng – sản phẩm đặc trưng không thể thiếu khi xuân về. Tuy nhiên, nhìn nhận từ diễn biến thời tiết và tình hình dịch bệnh năm nay, người trồng hoa đang gặp khó và không ít nỗi lo.

Ảnh hưởng từ thời tiết, nguồn giống khiến nông dân trồng hoa Tết năm nay phải dày công hơn và nhiều lo toan. Ảnh: THÀNH CHINH

Khác với năm ngoái, năm nay các hộ trồng hoa ở tổ hợp tác ấp Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Hanh, Châu Thành) chuyển hướng phần lớn hoa chủ lực từ cúc tiger sang thọ Pháp, kế đến là vạn thọ truyền thống, cúc tây.

Bà Trần Như Ý, tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa cho biết, muốn có hoa đẹp, chất lượng phải mua cây giống từ Đà Lạt và vùng trồng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp). Do đợt mưa bão vừa qua, vùng cung ứng ở Đà Lạt thiệt hại nặng, giống hoa tiger khan hiếm, nhà nông không mua được đủ số lượng, so vụ Tết trước thì năm nay giảm hơn nửa số cây giống.

Toàn ấp Vĩnh Phúc có 20 hộ trồng hoa và chọn làm kinh tế chính để phát triển quanh năm. Mỗi hộ trồng ít nhất 1.000 giỏ hoa chậu và hàng ngàn cây trong đất để bán vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu này. Bà Ý cho hay, đợt rằm tháng 10 (âm lịch) các hộ bỏ mối hoa nguyên cây cho bạn hàng lẫn bán lẻ đều rất “chạy”, nguồn cung không đủ cầu. Tiếc là năm nay giảm một số loại hoa giá trị cao, tuy nhiên sản lượng cả tổ sản xuất vẫn ổn định, số cúc tiger đã chăm sóc được nửa tháng, vượt qua giai đoạn thời tiết khắc nghiệt, không còn lo mưa nhiều gây thối rễ.

Các loại hoa tiếp theo ngắn ngày hơn như thọ Pháp, cúc tây, vạn thọ truyền thống đang chuẩn bị xuống giống tiếp theo. Trong đó, thọ Pháp được nhiều hộ trồng trong chậu thay thế do cúc tiger chăm sóc dễ hơn, hoa màu đỏ hoặc cam, vàng cam, cánh hoa dày và mềm như nhung hiện phát triển khá tốt. Dự báo, giá hoa Tết do trồng khó khăn và hiếm chủng loại nên giá thành có thể cao hơn.

Thời tiết thất thường, sau mưa bão là nắng gắt, ảnh hưởng giai đoạn sinh trưởng của cây con, có thể nhiễm bệnh hoặc chậm phát triển, vì vậy phải chăm sóc vất vả hơn… là nhận định chung của người trồng hoa từ khi xuống giống đến nay. Để khắc phục, các hộ áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, như: che chắn, lắp đặt hệ thống tưới, thắp sáng bóng đèn, phun thuốc phòng và chữa bệnh trên cây… kinh phí vì vậy có phần tốn kém hơn mọi năm.

Năm nào bà Đỗ Thị Thúy Phượng ở thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân, An Giang) cũng tận dụng đất trống quanh nhà trồng hàng ngàn giỏ hoa các loại. Hiện nay, bà Phượng đang chăm sóc 5.000 chậu hoa, trong đó cúc pha lê chiếm số lượng trên 3.000 chậu, do những năm gần đây khách hàng rất ưa chuộng, chưng đẹp, lâu tàn. Các hộ lân cận cũng trồng nhiều loại phục vụ thị trường hoa Tết cuối năm, như: vạn thọ, cát tường, cẩm nhung, mào gà… phần lớn hạt, cây giống, nguyên liệu… mua từ vùng trồng hoa Sa Đéc, giá không biến động nhiều.

Ông Lê Văn Như sở hữu 4.000 chậu cúc pha lê chia sẻ: “Nghề trồng hoa cực lắm, đến thời điểm hoa ra nụ càng phải chăm ngày lẫn đêm, sơ sót là mất cả mùa Tết. Truyền thống nhiều năm nay tôi đều trồng cúc Đài Loan và cúc pha lê, bởi hạp thời tiết, mà năm nay thấy mưa dày nên cũng lo, vì hoa phải gặp nắng nhiều mới tốt”.

Ngoài kinh nghiệm chăm sóc thông thường, người trồng hoa cúc pha lê còn thực hiện thêm kỹ thuật thắp đèn chiếu sáng xuyên suốt 2 tháng để kích thích cây sinh trưởng, ra nhiều đọt mà không trổ hoa sớm. Từ thời điểm ươm cây con đến khi cho vào chậu phải cực công dưỡng, do ảnh hưởng thời tiết nên công chăm sóc nặng hơn.

Tại làng hoa An Thạnh (Chợ Mới, An Giang), nhiều hộ chuyển từ trồng chuyên biệt một số hoa cúc như mọi năm sang trồng đa dạng các giống hoa kiểng để có đầu ra thuận lợi hơn. Số hộ trồng hoa cúc cũng chịu ảnh hưởng chung như các nơi khác, gặp khó về nguồn giống khi mua từ nguồn Đà Lạt. Để bù đắp, nông dân bổ sung số lượng các loại cúc khác, hoa đồng tiền, cánh bướm, hoa chuông, cát tường, hoa hồng, cúc sao băng, cây kiểng… Tâm trạng chung của nhà nông về vụ hoa năm nay đều lo lắng, ngoài yếu tố thời tiết khó đoán, còn có sự ảnh hưởng của dịch bệnh, có thể quyết định đến giá thành và sức mua.

Từ thời điểm này, bà con hàng ngày phải gắn bó với vườn hoa, chăm sóc nhiều hơn, theo dõi, nhổ cỏ, ngắt ngọn, bón phân, tưới nước, chong đèn… để cây phát triển như ý. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với công chăm sóc miệt mài ngày đêm, ai cũng hy vọng Tết năm nay là một mùa “thuận mua, vừa bán”.

Dù một số loại hoa giảm số lượng, thay vào đó đã có nhiều loại hoa kiểng khác, sự lựa chọn của khách hàng sẽ phong phú, đa dạng hơn. Nguyên liệu như giống, phân, thuốc không quá chênh lệch nên dự báo giá bán các loại hoa chậu cũng không tăng, phù hợp túi tiền của người dân sau một năm đối mặt với dịch bệnh, thiên tai.

Để có mùa hoa Tết bội thu không phải là chuyện dễ dàng, ngoài kinh nghiệm, kỹ thuật vẫn còn phụ thuộc vào các điều kiện khách quan. Càng cận Tết, người dân càng phải dày công hơn, thức khuya, dậy sớm, suốt ngày có mặt ngoài vườn. Mỗi năm, nhiều nông dân trông cậy vào mùa Tết để trồng hoa vì thị trường tiêu thụ lớn, giá trị tương đối cao. Cùng với niềm mong mỏi đó, họ cũng canh cánh bao nỗi lo, bởi thời tiết và giá cả buổi chợ cuối năm không thể nào đoán trước được.

MỸ HẠNH