Mùa nước nổi vòng quanh “Thủ phủ tràm” của Việt Nam

08/09/2019 - 19:12

 - Vẫn còn đó vẹn nguyên nét đẹp của khu rừng tràm đẹp nhất Việt Nam qua nhiều thập niên. Năm nay, nước đầu mùa tuy đổ về muộn hơn so với nhiều năm trước nhưng cũng kịp tái hiện lại vẻ đẹp lung linh tuyệt vời của “Thủ phủ tràm” Việt Nam. Trong 2 ngày nghỉ lễ 2-9 vừa qua, rừng tràm Trà Sư đã đón hơn 5.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng nét đẹp tươi xanh của “bảo tàng tràm nguyên sinh”.

Vào mùa này, những cánh đồng sen nằm rải rác trên đường vào sâu bên trong vùng lõi của rừng Trà Sư là điểm nhấn nổi bật nhất vì những đóa sen cuối vụ quần tụ với nhau theo khóm nhỏ điểm xuyến khắp các lối đi vào vùng lõi của rừng. Ngồi trên thuyền, từ xa, du khách đã có thể nhìn thấy hoa lấp ló dưới bóng cây tràm. Còn trên mặt nước là thảm bèo nhung xanh mát mướt vô cùng quyến rũ. Một người lái thuyền cho biết, sen ở đây nở lác đác đến khi nước lũ đổ về thì sen sẽ nhường lại cho các loại bèo bung xòe trải thảm xanh. Do vậy, nhiều du khách yêu cầu dừng lại ở một số điểm có nhiều hoa nở để chụp ảnh kỷ niệm.

Du khách xuyên rừng tràm Trà Sư trên những thảm bèo (Ảnh: internet)

Ngoài mùa sen, thời gian lý tưởng để ghé thăm nơi này là mùa nước nổi vào khoảng tháng 10, 11 tràn về mang theo sự trù phú của sản vật đầu nguồn và màu mỡ cho vùng đất phương Nam. Từ ngoài bến, du khách sẽ được đưa vào rừng tràm bằng thuyền máy. Sau khi vào sâu hơn, khách chuyển qua xuồng chèo tay để khám phá khu rừng. Lúc này, du khách được dịp quan sát kỹ hơn thảm động-thực vật, chủ yếu là các loài chim, cò quí hiếm và các loài côn trùng đặc trưng của “Thủ phủ tràm”.

Khi cập bến trong rừng, khách có thể ghé nhà hàng thưởng thức các món đặc sản, trải nghiệm đi cầu tre “Tình yêu” hoặc leo lên tháp quan sát để ngắm cả khu rừng từ trên cao. Trà Sư, từ “Thủ phủ tràm” đến trở thành mỏ vàng du lịch sinh thái du lịch trọng điểm của miền Tây. Những tháng đầu năm nay, An Giang đón gần 8 triệu lượt khách du lịch, với doanh thu tăng ấn tượng gần 25% so cùng kỳ. Đóng góp lớn vào những con số này có sự bứt phá mạnh mẽ của những khu du lịch đang được đầu tư một cách bài bản, trong đó có “Thủ phủ tràm” của vùng sông nước Phương Nam.

Phát triển du lịch từ tràm

Trà Sư có thể xem là bảo tàng tràm và các loài thực vật khác cùng với hàng trăm loài hoa đẹp, lạ, côn trùng, loài bò sát, đặc biệt là động vật hoang dã, chim, cò có trong sách đỏ… nổi tiếng trong nước và quốc tế. Không chỉ “giàu có” về tràm mà nơi đây đã được nhà đầu tư trồng rất nhiều loài hoa gây ấn tượng với hình ảnh những giò hoa “không chạm đất”. Mùa nước nổi, nhân viên dùng xuồng bơi len lỏi giữa các đường xuyên rừng để chăm sóc hoa, tạo ra một hình ảnh đặc trưng kỳ thú của hoa giữa rừng tràm. Những ai thường xuyên ghé thăm Trà Sư sẽ thấy ấn tượng trước sự thay đổi lớn về không gian và hình ảnh lung linh chỉ vài tháng gần đây.

Ngày trước, Trà Sư chỉ được khai thác ở góc độ “có chi dùng nấy” nhưng giờ đây, Trà Sư đã được một tập đoàn lớn đầu tư thêm nhiều hạng mục để thu hút du khách một cách nghiêm túc: hệ thống cầu tre xuyên rừng, đài quan sát toàn cảnh, nhà hàng, các điểm phục vụ “check in” ngày càng chuyên nghiệp.

Đại diện Công ty Cổ phần Du lịch An Giang và Ban Giám đốc Khu du lịch Sác và Địa đạo Củ Chi cùng ký kết biên bản ghi nhớ kích cầu du lịch 2019

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai Trương Vĩnh Thành, nhiều nhà đầu tư cũng ngại rót vốn vào các dự án ở ĐBSCL do khó thu hút khách bởi giao thông từ TP. Hồ Chí Minh về miền Tây rất khó khăn, hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng. “Các nhà đầu tư có muốn cũng không dám đầu tư khi hạ tầng chưa phát triển. Không ai dám bỏ tiền vào đầu tư khi không có khách đến vui chơi” - ông Thành thông tin.

Khó khăn là vậy nhưng nhờ sự nỗ lực của chủ “rừng” và những giải pháp quyết liệt của chính quyền huyện Tịnh Biên trong việc khẩn trương đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Mặt khác, các cấp, ngành còn tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, chính sách đầu tư cởi mở để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp cùng chung tay với địa phương xúc tiến du lịch. Khi “Bảo tàng tràm” là đặc sản thì việc xây dựng hình ảnh cây tràm như là một đại sứ du lịch của vùng Thất Sơn là câu chuyện của sự nỗ lực không ngừng. Vượt qua trở ngại lớn nhất là hạ tầng giao thông còn trắc trở gập ghềnh, nhà đầu tư vẫn không ngại “bỏ vốn” để nâng cấp hình ảnh của rừng tràm Trà Sư tươi mới như hôm nay. Đây là một câu chuyện cần được khuyến khích và động viên.

THANH NHÂN - THANH LOAN