Dù đồng bào DTTS Chăm có ngày lễ, Tết của riêng mình, nhưng trong quá trình sinh sống, làm việc cùng nhau, bà con sống hài hòa, thân thiện nên vẫn coi Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn của dân tộc mình, mọi người cùng chung vui.
Vào những ngày Tết Nguyên đán, bà con người Chăm thường đến nhà thăm nhau, gửi cho nhau lời chúc sức khỏe, làm ăn thuận lợi trong năm mới. Phó Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang Gosaly cho biết, trước đây, đám cưới của con em đồng bào DTTS Chăm có thể diễn ra ở nhiều thời điểm, nhưng mùa cưới thường tập trung vào Tết Roya Haji, là thời gian kết thúc xong tháng nhịn chay Ramadan. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, những ngày vui Tết Nguyên đán cũng chính là thời điểm các cặp đôi là con em đồng bào DTTS Chăm tính đến chuyện trăm năm, sau khi được sự đồng ý của gia đình. Nguyên nhân của sự thay đổi này là do đa phần hiện nay, con em đồng bào DTTS Chăm đi lao động, làm ăn ở các tỉnh, thành phố khác. Chỉ vào thời điểm Tết Nguyên đán mới có thời gian nghỉ nhiều ngày, thuận tiện cho việc bàn bạc chuyện cưới hỏi, tổ chức lễ cưới.
Nghi thức “đưa rể” qua nhà gái trong đám cưới của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm
Vào dịp Tết Nguyên đán, không chỉ cô dâu, chú rể, gia đình đàn trai, đàn gái có thời gian lo chu toàn cho đám cưới mà dòng họ, làng xóm đôi bên cũng được ngơi tay, thuận tiện phụ tiếp làm cưới hỏi, chung vui cùng hạnh phúc của đôi trẻ. Những lễ cưới được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa rồi đều được diễn ra trong không khí vui vẻ, đầm ấm. Bởi vì mọi người được gặp lại nhau sau những tháng ngày xa cách do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mặc dù chung vui nhưng ai cũng đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch khi gói gọn các nghi thức lễ cưới, cố gắng không tập trung đông người…
Đối với đồng bào DTTS Chăm, việc đến để phụ tiếp đám cưới hỏi, chia sẻ niềm vui cùng 2 bên gia đình là nét văn hóa truyền thống. Những người phụ nữ Chăm thể hiện sự khéo tay của mình qua hàng chục món bánh đặc trưng của dân tộc, như: Bánh nghệ, bánh ngôi sao, bánh ổ chim… mang ý nghĩa chúc cho đôi trẻ hạnh phúc bền lâu, con cháu đầy đàn, ngọt ngào tình cảm.
Đây là những loại bánh thường xuyên xuất hiện trong lễ cưới của con em đồng bào DTTS Chăm, thường được nhà gái làm và mang đến nhà trai, như là một thước đo về sự đảm đang của người con gái đến tuổi lấy chồng. Còn những người đàn ông trong xóm sẽ đến đảm nhận công việc nấu ăn, với những món ăn truyền thống, đặc trưng của dân tộc mình, như: Cà ri, cơm nị… Mọi người cùng bày trí, quây quần bên nhau nấu ăn, làm bánh rồi ăn uống, chúc phúc và chia sẻ niềm vui cùng đôi trẻ.
Đồng bào DTTS Chăm theo đạo Islam nên không uống rượu, bia, vì vậy trong tiệc cưới chỉ cùng nhau ăn những món ăn truyền thống của dân tộc, uống trà, nước ngọt. Tuy nhiên, không vì vậy mà không khí kém phần vui vẻ. Lễ cưới như thêm cơ hội để mọi người trò chuyện về gia đình, làm ăn trong năm qua. “Dịp Tết Nguyên đán được nghỉ nhiều nên bà con, họ hàng đều tập trung về quê đón Tết, nhân tiện tranh thủ tổ chức cưới hỏi cho đôi trẻ thương nhau. Dần dần, hình thành một nét văn hóa khi người Kinh vui Tết, người Chăm vui cưới” - ông Gosaly giải thích.
Một đám cưới người Chăm thường diễn ra trong 3 ngày, tuy mỗi ngày chỉ diễn ra một buổi nhưng nghi thức khác nhau. Ngày đầu tiên là họp họ, gia đình sẽ tổ chức làm bánh, trang trí phòng của cô dâu, chú rể. Ngày thứ hai thường được gọi là lễ lên ghế, 2 bên gia đình sẽ làm lễ cầu nguyện. Ngày vui nhất có lẽ là ngày thứ ba với nghi thức “đưa rể” rất độc đáo, vì có rất nhiều người tháp tùng đưa chú rể đến nhà gái, mọi người ai cũng hào hứng, vui vẻ.
Anh Issa Mohamad (sinh sống ở xã Châu Phong, TX. Tân Châu) làm dịch vụ chụp ảnh cho đám tiệc, đặc biệt là đám cưới của đồng bào DTTS Chăm. Issa Mohamad là người Chăm nên hiểu hết những phong tục, nghi thức trong đám cưới hỏi ở nhà trai, nhà gái nên dễ dàng ghi lại những khoảnh khắc đắt giá trong suốt thời gian diễn ra lễ cưới.
Anh Issa Mohamad cho biết, khi diễn ra lễ cưới, mỗi một ngày sẽ có một nghi thức khác nhau nên mình phải theo suốt mới có được những bức ảnh giá trị. Thông qua những bức ảnh chụp lễ cưới của cô dâu, chú rể, anh Issa Mohamad luôn muốn tạo thành một câu chuyện cưới hỏi vừa đẹp, vừa hấp dẫn. Thông qua những bức ảnh ghi lại những nghi thức cưới xin còn có thể giới thiệu với bạn bè dân tộc khác về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm.
Theo tín ngưỡng hồi giáo Islam, hôn nhân luôn được coi là chuẩn mực của mỗi con người nên được các gia đình chuẩn bị rất chu đáo. Dù hiện nay đã có bỏ bớt một vài nghi thức phức tạp, nhưng bà con vẫn cố gắng giữ lại những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Trong lễ cưới của đồng bào DTTS Chăm, từ các món ăn đến trang phục của cô dâu, chú rể hay nghi thức làm lễ đều rất độc đáo, được kết tinh từ những nét văn hóa truyền thống, rất đặc trưng, được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
|
ÁNH NGUYÊN