Mười sự kiện thế giới nổi bật năm 2022

30/12/2022 - 08:32

Những ngày cuối cùng của năm 2022 đang dần khép lại với những sự kiện tác động đến mọi mặt đời sống con người. Sau đây là 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2022 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.

1. Xung đột Nga – Ukraine 

Các hệ thống radar bị hư hại tại một căn cứ quân sự của Ukraine bên ngoài thành phố Mariupol ngày 24/2. (Ảnh: AP)

Ngày 24/2/2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong một diễn biến đẩy mối quan hệ giữa hai láng giềng lên đỉnh điểm. Xung đột kéo dài đã gây ra những thiệt hại về người và vật chất đối với cả đôi bên, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. 

Cuộc xung đột kéo dài gần 10 tháng qua ở Ukraine không chỉ khiến quan hệ vốn đã “không cơm lành canh ngọt” giữa Nga và phương Tây tiếp tục bị kéo căng với những lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế. Nhiều nước trên thế giới đã phải chật vật xoay xở với những cú sốc giá cả, gián đoạn nguồn cung và tình trạng thiếu lương thực.

Dưới sự hối thúc và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, Nga và Ukraine đã tiến hành nhiều vòng đàm phán hòa bình nhưng không đạt được kết quả đột phá và hiện đang rơi vào đình trệ.

2. Thế giới dần hồi phục sau đại dịch COVID-19

Hành khách tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Ba năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới dường như đã xoay chuyển tình thế của đại dịch và dần quay trở lại “nhịp sống bình thường mới”. Vào tháng 9/2022, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng triển vọng kết thúc đại dịch COVID-19 đang trong tầm với.

Thực tế đó thể hiện rõ qua việc nhiều quốc gia đã bãi bỏ lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại và các biện pháp liên quan mà họ đã áp đặt kể từ khi COVID-19 hoành hành trên thế giới vào đầu năm 2020. Đây là kết quả của những thành tựu phát triển về vaccine, các phương pháp điều trị giảm nguy cơ tử vong do COVID-19, miễn dịch cộng đồng sau khi nhiễm virus. Tuy nhiên, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới vẫn còn hiện hữu, điều đó đòi hỏi mỗi người cần nâng cao nhận thức trong phòng, ngừa dịch bệnh.

3.Triều Tiên phóng tên lửa với tần suất chưa từng có

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 được Triều Tiên phóng thử hôm 18/11. (Ảnh: KCNA)

Triều Tiên đã tiến hành hơn 30 đợt thử tên lửa vào năm 2022, nhiều nhất từ trước đến nay trong một năm, gồm cả vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới "Hwasong-17" vào ngày 18/11. 

Chỉ riêng trong ngày 2/11, Triều Tiên khai hỏa số tên lửa với quy mô chưa từng có, bằng tổng số tên lửa mà nước này phóng thử trong cả năm 2017. Thông qua việc phóng tên lửa với số lượng nhiều kỷ lục, Triều Tiên được cho là muốn phát thông điệp phô diễn sức mạnh quân sự, đồng thời tăng sức ép với Mỹ và đồng minh.

Các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên đã khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên leo thang nghiêm trọng khi Mỹ và các đồng minh phản ứng bằng các cuộc tập trận quy mô lớn. Hoạt động quân sự của các bên khiến nguy cơ xung đột leo thang luôn cận kề. Các bên liên tục chỉ trích lẫn nhau và đàm phán rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài. Những diễn biến này khiến Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á trải qua một năm đầy căng thẳng.

4. Các cuộc tranh tài thể thao giàu cảm xúc

 Lễ khai mạc World Cup 2022 tại sân vận động Al-Bayt, Qatar, ngày 20/11. (Ảnh: THX/TTXVN)

*Giải vô địch bóng đá thế giới tại Qatar

FIFA World Cup 2022 diễn ra tại Qatar từ ngày 21/11 đến 18/12/2022, là cuộc tranh tài của những đội tuyển quốc gia mạnh nhất thế giới. Đây là giải đấu quy tụ 32 đội tuyển mạnh nhất thế giới đại diện cho các châu lục tham dự.

Trong trận chung kết, tuyển Argentina đánh bại đương kim vô địch Pháp sau 120 phút so tài nghẹt thở và loạt luân lưu cân não, lần thứ ba trong lịch sử đăng quang ở một kỳ World Cup sau các năm 1978 và 1986. Cũng với chiến tích lịch sử này, đội trưởng Lionel Messi đã bổ sung danh hiệu duy nhất còn thiếu vào bộ sưu tập thành tích đồ sộ của mình.

*Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 

Tối 4/2, Thế vận hội (Olympic) mùa đông Bắc Kinh năm 2022 chính thức khai mạc, buổi lễ được tổ chức tại sân vận động quốc gia (sân vận động Tổ chim) ở thủ đô của Trung Quốc. Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc kiên trì thực hiện chính sách “zero-Covid”.

Với khẩu hiệu “Cùng nhau hướng tới tương lai chung” (Together for a Shared Future), Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022 là Olympic mùa đông thứ 4 được tổ chức tại châu Á và Bắc Kinh trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới đăng cai các kỳ đại hội thể thao thế giới cả mùa đông và mùa hè. 

5. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX 

Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc tại Bắc Kinh. (Ảnh: Chinanews)

Sáng 16/10, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc với sự tham dự của hơn 2.300 đại biểu, đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên trong cả nước.

Đại hội XX là sự kiện hết sức quan trọng đối với Trung Quốc trong thời khắc then chốt khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân các dân tộc Trung Quốc cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu "100 năm" thứ hai xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt thông qua con đường hiện đại hóa của Trung Quốc.

Các đại biểu tham dự Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 với 205 ủy viên chính thức, 171 ủy viên dự khuyết. Đại hội tiếp tục tín nhiệm bầu ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.

Đại hội thông qua sửa đổi Điều lệ Đảng, đồng thời xác định nhiệm vụ chiến lược trong 5 năm tới và xa hơn nữa, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu 100 năm thứ hai xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt vào năm 2049.

6. Tai nạn thương tâm tại nhiều nước trên thế giới  

Cảnh sát Indonesia bị cáo buộc sử dụng hơi cay bừa bãi khiến người hâm mộ hoảng loạn dẫn đến thảm kịch. (Ảnh: AP) 

*Thảm kịch bóng đá ở Indonesia 

Có ít nhất 174 người chết và hơn 300 người bị thương sau khi cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông bạo loạn trên sân Kanjuruhan (tối 1/10), dẫn đến thảm kịch tồi tệ nhất lịch sử làng bóng đá thế giới.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu mở cuộc điều tra toàn diện liên quan đến vấn đề an ninh tại các trận đấu bóng đá sau khi xảy ra vụ bạo loạn tại sân Kanjuruhan. Ông Widodo cũng yêu cầu Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) dừng các trận đấu ở giải VĐQG Indonesia cho đến khi cuộc điều tra kết thúc, qua đó đảm bảo rằng đây là thảm kịch cuối cùng xảy ra với bóng đá Indonesia. 

*Thảm họa giẫm đạp trong đêm Halloween ở Hàn Quốc

Đêm lễ hội hóa trang Halloween hôm 29/10 ở khu phố Itaewon của thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã biến thành thảm kịch khi đám đông dồn xuống một con dốc hẹp, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau khiến 153 người chết và hàng chục người bị thương.

Đến chiều 30/10, Hàn Quốc xác định vụ giẫm đạp đã khiến 153 người chết, trong đó có 22 người nước ngoài và số thương vong có thể còn tăng. Sự việc một lần nữa cho thấy nguy cơ giẫm đạp (hầu như không xảy ra trong suốt đại dịch COVID-19) đang xuất hiện trở lại.

*Sập cầu tại Lễ hội tôn giáo Diwali (Ấn Độ)

Nhà chức trách Ấn Độ hôm 31/10 cho biết ít nhất 132 người đã thiệt mạng sau khi cầu treo ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ bị sập hôm 30/10. Gần 500 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đang tổ chức lễ hội tôn giáo trên và xung quanh cây cầu treo vào thời điểm vụ tai nạn xảy ra. Lượng lớn người tập trung đã làm cây cầu gần 150 năm tuổi này sập xuống, khiến nhiều người rơi xuống sông. 

7. Dân số thế giới vượt 8 tỷ người

Bé gái Vinice Mabansag (nằm cùng mẹ), công dân thứ 8 tỷ của thế giới, chào đời tại Manila, Philippines, ngày 15/11/2022. (Ảnh: GMA News/TTXVN) 

Theo báo Manila Bulletin, bé gái Venice Mabansag chào đời lúc 1 giờ 29 phút ngày 15/11 tại Tondo, Manila, được coi là em bé tượng trưng cho công dân thứ 8 tỷ của thế giới đến từ Philippines.

Dân số toàn cầu đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950, xuống dưới mức 1% vào năm 2020. Các dự báo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, dân số có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, lên 9,7 tỷ người năm 2050. Dân số có thể lập đỉnh vào những năm 2080, lên khoảng 10,4 tỷ người và duy trì ở mức độ này cho đến năm 2100.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, 8 tỷ dân là một dấu mốc phát triển của loài người, song con số này cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung của nhân loại trong việc quan tâm đến hành tinh của chúng ta. Bởi vì, dân số toàn cầu ngày càng tăng và già hóa sẽ là một thách thức không nhỏ về kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như trong việc bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân.

8. Những biến động liên tiếp trên chính trường nước Anh

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: Xinhua)

Chỉ trong năm 2022, nước Anh đã chứng kiến nhiều biến động khi có ba Thủ tướng lên nắm quyền và “xứ sở sương mù” cũng phải từ biệt vị Nữ hoàng trị vì lâu nhất thế giới.

Ngày 7/7/2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức. Đến ngày 20/10, bà Liz Truss, người được được bầu thay thế ông Boris Johnson, cũng từ chức sau 45 ngày tại vị, trở thành thủ tướng cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử nước Anh. 

Ngày 25/10, ông Rishi Sunak, 42 tuổi, trở thành người trẻ nhất đảm nhận cương vị Thủ tướng Anh trong hơn 200 năm. Trên cương vị mới, ông Sunak phải tìm cách vượt qua “những cơn gió ngược” khi nước Anh đang trong thời kỳ suy thoái với lạm phát ở mức 15%. Nguyên nhân sâu xa không chỉ bởi cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn do tiến trình Brexit đã không tạo ra “nhiều vận may” như kỳ vọng. 

Ngày 8/9, người dân Anh và thế giới bàng hoàng trước thông tin Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 sau 70 năm trị vì. Thái tử Charles lên kế vị, trở thành Nhà Vua Charles III.

9. Báo động tình trạng biến đổi khí hậu 

Một đám cháy rừng gần Alhaurin el grande, Tây Ban Nha, ngày 15/7/2022. (Ảnh: Reuters) 

Trong năm 2022, châu Âu trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục gây cháy rừng và làm các dòng sông khô cạn. Tình hình ở châu Á cũng không mấy sáng sủa khi Pakistan đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng tàn khốc, kéo theo đó là những đợt gió mùa khắc nghiệt khiến 1/3 diện tích đất nước chìm trong nước. Vùng Tây Nam nước Mỹ cũng đối mặt với một đợt hạn hán kỷ lục khiến diện tích các hồ chứa nước như Hồ Mead bị thu hẹp và năng suất cây trồng giảm sút. Tháng 4/2022, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu sẽ sớm trở nên “không thể đảo ngược”.

Ở mặt tích cực, năm qua đã ghi nhận một vài kết quả nổi bật trong các cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu. Vào tháng 8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Luật Giảm lạm phát, trong đó đề cập tới những giải pháp được đánh giá là bước quan trọng nhất được thực hiện cho đến nay để giảm phát thải.

Tuy nhiên, nhìn chung hành động của chính phủ các nước trong mục tiêu cắt giảm khí phát thải vẫn còn chậm trễ. Cuộc họp COP27 tại Sharm El Sheikh (Ai Cập) đã kết thúc với một thỏa thuận dẫn đến việc các nước giàu bồi thường cho các nước nghèo bị tổn hại bởi biến đổi khí hậu, song không có bước đột phá nào được thực hiện trong việc cắt giảm khí thải. 

10. Lạm phát gia tăng kéo theo nỗi lo suy thoái

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trong một siêu thị tại Anh. (Ảnh: Bloomberg)

Năm 2022 chứng kiến lạm phát gia tăng trên toàn thế giới. Chính phủ nhiều nước đã thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ kết hợp với việc chi tiêu ồ ạt để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra sự khan hiếm trong nhiều loại hàng hóa. 

Ngày 14/12, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) một lần nữa đưa ra quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% trong đợt tăng thứ 7 của năm 2022. Quyết định của Fed đã đánh dấu một năm cơ quan này tăng lãi suất từ mức gần 0% lên mức 4,25-4,5%, cao nhất trong vòng 15 năm qua, nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm.

Giá cả leo thang đã tạo ra thách thức chính trị đối với nhiều nước trên thế giới khi các nhà lãnh đạo phải xoa dịu sự tức giận ngày càng tăng của công chúng. Giải pháp được nhiều nước tính đến để cải thiện tình hình lạm phát là tăng lãi suất. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất sẽ không giải quyết được nhiều vấn đề về gián đoạn chuỗi cung ứng và được cảnh báo có thể gây ra suy thoái kinh tế.

Theo Đảng Cộng Sản Việt Nam