Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đã lan rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Trong nước, dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, đời sống người dân, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa, thương mại, dịch vụ, làm đình trệ các hoạt động sản xuất - kinh doanh… Trong đó, ngành du lịch (DL) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều tiểu thương, cơ sở dịch vụ ăn uống tại các khu DL kinh doanh, buôn bán ế ẩm.
Chị Minh Thùy (đang kinh doanh ăn uống tại Khu DL núi Cấm, (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đúng ngay dịp Tết và mùa hành hương, gây không ít khó khăn cho nhiều tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại đây.
Mặc dù khu DL có nhiều điểm thu hút nhưng do đang mùa dịch nên không có du khách, các nơi buôn bán phục vụ phải đóng cửa. Riêng quán của chị Thùy thu nhập ít hơn 70% so với lúc trước. Hiện tại, chị Thùy và những người kinh doanh tại khu DL chỉ mong dịch bệnh sớm qua để mọi người yên tâm quay lại cuộc sống thường ngày, giúp việc buôn bán trở lại bình thường.
Tiểu thương bán trái cây gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch bệnh COVID-19
Cũng như chị Thùy, anh Tô Thanh Sang (tiểu thương buôn bán trái cây ở huyện Chợ Mới) cho biết, trái ngược với không khí náo nhiệt trước đây, cảnh chợ bây giờ đìu hiu thấy rõ, người đi chợ thưa thớt. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, người dân thắt chặt chi tiêu, ít đi chợ do lo ngại dịch bệnh làm cho các tiểu thương buôn bán ế ẩm.
Tuy vậy, mọi người vẫn phải buôn bán cầm cự, giảm nhập hàng, cố gắng xoay xở giữa mùa dịch. “Trước đây tôi bán rất nhiều loại trái cây, nhưng từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, mỗi ngày tôi chỉ còn bán được khoảng 40% so với lúc trước. Thu nhập và người mua ít nên trái cây cũng ít theo” - anh Sang chia sẻ.
Không chỉ các tiểu thương, cơ sở dịch vụ ăn uống cũng bị ảnh hưởng. Do diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, người dân hạn chế đi lại nhất là các phương tiện công cộng lượng khách giảm 80 - 90% dẫn đến ngành vận tải và cuộc sống của các tài xế rơi vào tình cảnh khó khăn.
Là tài xế xe taxi, anh Nguyễn Trường Giang (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết, thời điểm chưa có dịch bệnh, mỗi ngày anh chạy từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối phục vụ khách DL có thu nhập 800.000 - 900.000 đồng, mỗi tháng để dành được khoản tiền đủ để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lượng khách ngày một giảm, có ngày còn không có khách, thu nhập của anh Giang giảm hơn 80%, ngày nào may mắn lắm anh mới kiếm đủ tiền xăng xe. “Hy vọng dịch bệnh COVID-19 sớm qua đi, công việc trở lại bình thường, cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn” - anh Giang chia sẻ.
Người bán vé số dạo vất vả mưu sinh
Khó khăn nhất trong mùa dịch phải kể đến những người bán vé số dạo đang vất vả mưu sinh từng ngày. Bà Trần Thị Lại (TP. Châu Đốc, mưu sinh bằng việc bán vé số dạo) cho biết, trước đây mỗi ngày bà bán được hơn 200 tờ vé số cho các quán cà phê và du khách đến TP. Châu Đốc.
Từ khi có dịch bệnh COVID-19, người mua vé số ít hơn nên thu nhập của bà giảm sút rất nhiều. Bây giờ, cả ngày đi với quãng đường xa hơn mà bà Lại bán không hết 100 tờ vé số. Cuộc sống khó khăn hơn, vì đây là nguồn thu nhập chính để bà Lại trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. “Hy vọng bán được ngày nào hay ngày đó để có "đồng ra, đồng vô" phòng lúc đau bệnh. Mong cho dịch bệnh mau hết để cuộc sống trở lại bình thường” - bà Lại chia sẻ.
Còn rất nhiều trường hợp, mảnh đời đang cố gắng từng ngày gồng mình mưu sinh, chống chọi với khó khăn, thách thức trong mùa dịch bệnh COVID-19. Tất cả đều mang chung một hy vọng, dịch bệnh COVID-19 sẽ nhanh chóng qua, cuộc sống sớm trở lại bình thường để con đường mưu sinh vốn nhọc nhằn đỡ khó khăn, vất vả hơn.
TRỌNG TÍN