Mưu sinh ngày Tết

24/01/2022 - 06:03

 - Càng cận Tết, người dân càng tất bật mua sắm, trang hoàng nhà cửa, đoàn viên cùng gia đình. Thế nhưng đâu đó, vẫn còn người lao động miệt mài làm việc, mưu sinh ngoài đường phố. Tết đến còn là cơ hội để họ kiếm tiền, dành dụm mua tấm áo mới cho con, cuộc sống đủ đầy hơn, đón chào năm mới với những ước mơ mới…

Thời tiết năm nay có phần khắc nghiệt hơn so với mọi năm, khi lạnh khi nóng. Cầm xấp vé số trên tay, bà Nguyễn Thị Lẹ (50 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) lê bước khó nhọc giữa trưa nắng. Gia cảnh nghèo khó, vợ chồng con trai bà làm thợ hồ, còn bà bán vé số để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, lo cho 2 đứa cháu ăn học.

 Bà Lẹ chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, cả nhà tôi đều thất nghiệp. Tôi bị tai biến gần 1 năm, bao nhiêu tiền dành dụm đều lấy ra ăn uống, thuốc thang cho tôi. Hai tháng nay, cuộc sống ổn hơn đôi chút, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Mừng là cả nhà đều được tiêm vaccine, mạnh khỏe”. Hỏi chuyện sắm sửa dịp Tết, bà lắc đầu: “Có cơm ăn no mỗi ngày là mừng rồi, làm gì có tiền sắm Tết. Gia đình tôi chắc chỉ mua vài bộ đồ mới cho cháu, ít trái cây, hoa cúng ông bà”.

Lao động nghèo phải bươn chải, mưu sinh dù Tết cận kề

Những ngày này, trên đường Bùi Thị Xuân, Bùi Văn Danh, Phạm Hồng Thái, Lê Triệu Kiết (TP. Long Xuyên) tấp nập người mua, người bán cây kiểng, hoa và vật dụng chưng Tết. Ở đó, không ít người lao động chở thuê sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Ngồi nghỉ trưa dưới gốc cây gần cầu Hoàng Diệu, ông Hồ Văn Tài (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) thường xuyên hướng mắt về dòng người mua sắm ở chợ hoa xuân, thỉnh thoảng lại xem điện thoại để không bỏ lỡ tin nhắn hay cuộc gọi nào. Ông Tài cho biết: “Tôi phải quan sát có khách nào cần chở hàng để mình bắt mối liền. Tết nên ít ai trả giá, nhiều khi khách thấy thương, lì xì thêm, thu nhập cũng khá. Còn vài ngày nữa đến Tết, tôi phải cố gắng làm, năm nay dịch bệnh ảnh hưởng, cuộc sống khó khăn lắm”.

Theo ông Tài, vào những ngày này, ông chạy trung bình 4 - 5 chuyến/ngày, cao điểm tăng lên 6 - 7 chuyến/ngày. Thông thường, mỗi chuyến xe, ông được trả công từ 50.000 - 200.000 đồng, tùy theo khoảng cách.

“Bây giờ, chạy xe lôi không thể cạnh tranh với xe tải. Những chỗ nào đường đi khó khăn, không thể chạy xe tải vô được, người ta mới thuê mình. Dù vất vả cũng phải cố gắng. Hơn 1 tuần nữa là đến Tết rồi, mà còn nhiều thứ để lo quá. Tôi mong sao được thuê chở hàng bộn bộn để có tiền trang trí nhà cửa đón Tết, mua vài bộ đồ mới cho tụi nhỏ” - ông Tài chia sẻ.

Người lao động kiếm thêm thu nhập vào dịp Tết

Tết đến cần nhiều tiền để chi tiêu, nên chị Nguyễn Tuyết Loan (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) nhận dọn dẹp, vệ sinh cho gia đình, cơ quan, doanh nghiệp vào ban ngày, còn ban đêm thì may mùng, áo gối gia công. Tính chị thật thà, làm việc sạch sẽ, kỹ lưỡng, uy tín nên có nhiều khách quen. Công việc có phần vất vả, xa nhà, nhưng mang lại thu nhập ổn định, bình quân 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

  Ngoài ra, chị Loan còn được chủ nhà “lì xì” thêm, hoặc cho quần áo, đồ dùng sinh hoạt cũ. Còn anh Lê Văn Tùng cũng chịu khó tăng ca để kiếm thêm thu nhập từ nghề thợ hồ. Anh Tùng tâm sự: “Cận Tết, nhiều công trình, nhà ở phải tăng tiến độ để kịp bàn giao cho gia chủ. Chúng tôi thường tăng ca vào buổi tối. Dù vất vả, nhưng vợ chồng tôi động viên nhau cùng cố gắng”.

Thời điểm này, đội ngũ shipper (giao hàng) luôn bận rộn vì lượng đơn hàng tăng cao. Tranh thủ giao cho xong đơn hàng, anh Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, cộng thêm cận Tết nên lượng hàng tôi phải giao tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Từ đầu tháng Chạp, tôi giao khoảng 30 - 50 đơn hàng/ngày, phải tranh thủ đi sớm, giao vào giờ nghỉ trưa”.

Vì cuộc sống mưu sinh, những người lao động tự do tranh thủ từng ngày, từng giờ để kiếm thêm thu nhập, phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách hàng. Tết của họ luôn mướt mồ hôi, ẩn sâu là khát khao đón cái Tết sum vầy bên gia đình, người thân.

LÊ HOÀNG

 

Liên kết hữu ích