Mỹ: Chỉ số giá sản xuất tiếp tục tăng mạnh

14/02/2025 - 13:49

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ Lao động Mỹ ngày 13/2 công bố số liệu cho thấy giá sản xuất của nước này tiếp tục tăng cao trong tháng 1/2025, phản ánh tín hiệu lạm phát đang tăng trở lại và củng cố dự báo của thị trường tài chính về việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất trước nửa cuối năm nay.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 1/2025, sau khi tăng 0,5% vào tháng 12/2024. Mức tăng này cao hơn dự báo 0,3% của các nhà phân tích. Như vậy tính đến hết tháng đầu tiên của năm nay, PPI đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chú thích ảnh

Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, PPI tăng khi giá hàng hóa và dịch vụ tăng. Nối tiếp đà tăng của tháng 12/2024, giá hàng hóa bán buôn tháng 1 tăng 0,6%. Hơn 50% trong số này chịu ảnh hưởng do mức tăng 1,7% của giá năng lượng. Giá thực phẩm cũng tăng vọt 1,1%, riêng giá trứng tăng 44,0% do dịch cúm gia cầm bùng phát. Trong khi đó, PPI dịch vụ cũng tăng 0,3%, phần lớn do giá phòng khách sạn và nhà nghỉ tăng cao 5,7%. Ngoài ra, PPI cũng tăng trong các lĩnh vực bán lẻ ô tô, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, bán lẻ thực phẩm, rượu, quần áo, đồ trang sức, giày dép và phụ kiện.

PPI tăng là chỉ dấu cho thấy giá tiêu dùng sẽ tăng trong tương lai và sự gia tăng giá cả trên mặt bằng chung có thể khiến đồng tiền bị mất giá trị, từ đó dẫn đến lạm phát. Do vậy, nhiều ngân hàng trung ương thường tận dụng dữ liệu này để xây dựng các chính sách tiền tệ, trong đó có Fed. Bộ Lao động Mỹ công bố các số liệu trên ngay sau khi Fed công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 cho thấy mức tăng mạnh nhất trong gần 1 năm rưỡi qua.

Các nhà kinh tế cảnh báo lạm phát sẽ có xu hướng tăng cao hơn nữa khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp dụng thuế quan rộng rãi đối với hàng nhập khẩu và trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động và làm tăng tiền lương và giá cả hàng hóa. Cùng với đó, thị trường tài chính đã đẩy lùi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed từ tháng 6 sang tháng 9 do đánh giá nhu cầu nội địa mạnh mẽ và thị trường lao động ổn định.

* Trong khi đó, theo báo cáo Nợ và Tín dụng của hộ gia đình được (Fed) chi nhánh New York công bố cùng ngày cho thấy tỷ lệ nợ tiêu dùng quá hạn của Mỹ vào quý IV/2024 đã tăng 0,5% lên 18.000 tỷ USD, mức cao nhất kể từ quý II/2020. Các khoản nợ này chủ yếu là các khoản thế chấp, khoản vay sinh viên, khoản vay mua ô tô và số dư thẻ tín dụng.

Báo cáo cho thấy người Mỹ đang ngày càng gặp khó khăn về tài chính khi phải đối mặt với chính sách lãi suất cao do Fed áp dụng năm thứ ba liên tiếp nhằm hạ nhiệt lạm phát.

* Sau những báo cáo trên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng mạnh. Chốt phiên ngày 13/2 trên sàn giao dịch New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 342,87 điểm lên 44.711,43, S&P 500 tăng 63,10 điểm lên 6.115,07 và Nasdaq Composite tăng 295,69 điểm, lên 19.945,64.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI cũng tăng 9,59 điểm (tương ứng mức tăng 1,10%) lên 882,37 và đang trên đà đạt mức tăng tỷ lệ hằng ngày lớn nhất kể từ 15/1 năm nay.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,09% trong phiên thứ tư liên tiếp và khép phiên ở mức kỷ lục. Điều này là nhờ giá cổ phiếu của Nestle và Siemens tăng mạnh sau kết quả kinh doanh quý tích cực, cũng như hy vọng về các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Theo TTXVN