Biển cảnh báo nhiệt độ cao tại vùng sa mạc ở Bắc California. Ảnh: Getty Images
Hơn 100 triệu người dân Mỹ đã được cảnh báo hãy ở trong nhà nếu có thể, để tránh bị ảnh hưởng bởi hình thái thời tiết nhiệt độ và độ ẩm cao trải dài hầu khắp các bang.
Trung tâm Dự báo Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết đợt nắng nóng kéo dài đến hết ngày 15/6 đã lập nhiều kỷ lục về nhiệt độ ở phía Tây, Tây Nam và tại thành phố Denver vào cuối tuần qua. Sóng nhiệt sau đó đã di chuyển về phía Đông vào duyên hải Vịnh Mexico và khu vực Trung Tây hôm 13/6 và sẽ mở rộng đến khu vực Great Lakes và hai bang Bắc Carolina, Nam Carolina.
St Louis, Memphis, Minneapolis và Tulsa nằm trong số các thành phố được cảnh báo bị tăng nhiệt quá cao, trung bình là 38 độ C. Kết hợp với độ ẩm cao, nhiệt độ thực tế tại những khu vực trên có thể lên đến 43 độ C.
Chính quyền nhiều thành phố đã công bố kế hoạch mở các trung tâm làm mát và cho phép người dân tắm tại các thư viện công cộng.
Thành phố Chicago đã tăng cường nỗ lực ứng phó với các đợt nắng nóng sau khi chứng kiến hơn 700 người – đa số là người cao tuổi – tử vong trong đợt nắng nóng năm 1995. Trong đợt nóng ngắn vào tháng trước, tại đây cũng có 3 bà cụ tử vong ở nhà dưỡng lão.
Tại hạt Mecklenburg của Bắc Carolina, chính quyền địa phương đã mở các trạm làm mát và cung cấp xe miễn phí chở người dân đến một số địa điểm. Tại Minneapolis, 14 trường học không được lắp máy lạnh đầy đủ sẽ chuyển sang học trực tuyến.
Giới khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng. Nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng thêm 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thập kỷ qua (2011 – 2020) cũng là thập kỷ nóng nhất kể từ khi bắt đầu thời đại công nghiệp và 6 năm qua cũng là giai đoạn nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử.
Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)