Xe quân sự của Mỹ di chuyển qua thành phố Qamishli, Đông Bắc Syria ngày 26-10-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 31-10, các lực lượng của Mỹ đã bắt đầu tuần tra ở phần biên giới của Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, lần đầu tiên kể từ khi Washington rút binh sỹ khỏi khu vực này hồi đầu tháng.
Tổng cộng 5 xe bọc thép treo cờ Mỹ đã tuần tra trên dải đất biên giới phía Bắc thị trấn Qahtaniyah, địa bàn hoạt động của họ trước khi Washington ra lệnh rút quân.
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), các lực lượng của Mỹ đang tìm cách duy trì sự hiện diện dọc một đoạn biên giới phía Đông.
Trước đó, các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ phối hợp tuần tra chung từ ngày 1/11 tới, tại vùng lãnh thổ Syria trong phạm vi bán kính 7km tính từ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hoạt động tuần tra chung này là một phần của thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, đạt được hôm 22/10 vừa qua.
Thỏa thuận Nga-Thổ được đánh giá là một thành công lớn, kết thúc chiến dịch quân sự gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh cuộc họp "lịch sử" đầu tiên của ủy ban hỗn hợp giữa Chính phủ Syria và các nhà đàm phán đối lập tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm sửa đổi hiến pháp.
Phát biểu tại một hội nghị về trung gian hòa giải, do Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức ở Istanbul, ông Guterres đánh giá đây là "một nền tảng để đạt tiến bộ," đồng thời bày tỏ hy vọng đây sẽ là "bước đầu tiên hướng tới một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt chương đau buồn này trong cuộc sống của người dân Syria và tạo cơ hội để tất cả người dân trở lại quê hương một cách an toàn, chấm dứt tị nạn."
Ủy ban trên, do Liên hợp quốc làm trung gian, gồm 150 đại biểu, được chia đều giữa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, phe đối lập và xã hội dân sự.
Tuy nhiên, ít hy vọng tiến trình này có thể đạt đột phá trong việc tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã làm hơn 370.000 người thiệt mạng trong 8 năm qua.
Tổng thư ký Guterres cho biết vẫn "rất lo ngại về tình hình tại Idlib," nơi có dân số khoảng 3 triệu người, trong đó một nửa đã phải đi sơ tán sang các tỉnh khác ở Syria.
Tuần trước, Tổng thống Assad cho biết việc giành chiến thắng tại mặt trận Idlib sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến này, và quân chính phủ đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch.
Tổng thư ký cũng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, giảm căng thẳng và bảo vệ dân thường cũng như các cơ sở hạ tầng dân sự trên mọi mặt trận ở Syria.
Theo BÍCH LIÊN (Vietnam+)