Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo ngày 26/4/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ông Blinken đã đưa ra tuyên bố trên khi trả lời câu hỏi về những cáo buộc cho rằng Nga có những “hành động đe dọa hạt nhân”, dường như ám chỉ đến những sửa đổi học thuyết hạt nhân của Moskva vào năm ngoái.
Nga đã công bố bản cập nhật học thuyết hạt nhân của nước này, sau khi các nước phương Tây ủng hộ Ukraine, bao gồm cả Mỹ, cân nhắc khả năng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước ngoài sản xuất để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Hồi tháng 11/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi, mở rộng các điều kiện có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân của Moskva. Những sửa đổi này bao gồm các kịch bản, trong đó hành động xâm lược của một quốc gia hoặc nhóm quốc gia phi hạt nhân, khi được một quốc gia hạt nhân hỗ trợ, có thể được coi là một cuộc tấn công chung. Tuy nhiên, tài liệu cũng nhấn mạnh vũ khí hạt nhân là “biện pháp cực đoan và bắt buộc”, mục tiêu của Nga là ngăn chặn những căng thẳng có thể dẫn đến chiến tranh, bao gồm cả chiến tranh hạt nhân.
Ông Blinken nhấn mạnh Washington coi những thay đổi này của Nga làm gia tăng nguy cơ leo thang hạt nhân.
“Ngay cả khả năng tăng từ 5 lên 15%, khi nói đến vũ khí hạt nhân, không có gì nghiêm trọng hơn”, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Trước đó, ông đã chỉ trích kế hoạch sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga là “vô trách nhiệm” khi học thuyết này lần đầu được công bố vào tháng 9 năm ngoái.
Ngoại trưởng Blinken cũng nói rằng Trung Quốc có thể đã tác động đến Nga để ngừng kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Blinken cho biết: “Chúng tôi có lý do để tin rằng Trung Quốc đã nói chuyện với Nga và nói 'đừng đến đó'”.
Ông nói thêm Bắc Kinh có lẽ đã có động thái tương tự khi Mỹ cáo buộc Nga có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân vào không gian. Moskva đã bác bỏ tuyên bố này là sai sự thật.
Theo đài RT, Moskva sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Các quan chức Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là “phương sách cuối cùng”. Sau khi cập nhật học thuyết vào tháng 11/2024, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga kiên quyết ủng hộ mọi biện pháp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh kho vũ khí hạt nhân của Nga là công cụ răn đe hành vi xâm lược và là phương tiện ngăn chặn xung đột hạt nhân.
Tuy nhiên, Điện Kremlin từ lâu đã lên tiếng rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự và triển khai tên lửa có khả năng hạt nhân trên toàn cầu có thể dẫn đến phản ứng tương xứng từ Nga. Tháng trước, Nga và Belarus đã ký một hiệp ước an ninh củng cố kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tại Belarus vào năm tới. Tên lửa này được cho là không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ hiện tại của phương Tây và có thể tiếp cận các mục tiêu trên khắp châu Âu chỉ trong vài phút.
Theo Báo Tin Tức