Du khách chụp ảnh tự sướng trên Bến Thượng Hải ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 12-11-2020. Ảnh AP.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters ngày 2-2 cho biết, trong một thời gian ngắn, nhiệt độ một số nơi ở miền đông Mỹ, Nga và Trung Quốc ấm hơn từ 0,3 đến 0,37 độ C. Đó là do bầu trời ít muội than và các hạt sunfat từ khói xe và than đốt, vốn thường làm mát bầu không khí tạm thời bằng cách phản xạ lại sức nóng của mặt trời.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Andrew Gettelman, nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia của Mỹ cho biết: “Làm sạch không khí thực sự có thể làm hành tinh ấm lên vì ô nhiễm (do muội than và hạt sunfat) có tác dụng làm mát”. Các tính toán của ông dựa trên việc so sánh thời tiết năm 2020 với các mô hình máy tính mô phỏng một năm 2020 không có sự giảm thiểu ô nhiễm do các đợt đóng cửa đại dịch.
Nghiên cứu cho biết, khí aerosol làm mát từ hạt bụi không giống với carbon dioxide gây ô nhiễm mà bạn có thể thấy.
Theo ông Gettelman, vào năm 2020, hiệu ứng nóng lên tạm thời từ việc ít hạt bụi này mạnh hơn so với tác động của việc giảm lượng khí thải carbon dioxide vốn giữ nhiệt. Đó là bởi vì carbon lưu lại trong bầu khí quyển hơn một thế kỷ với tác dụng lâu dài, trong khi hạt bụi tồn tại trong không khí khoảng một tuần.
Nhà khoa học khí hậu hàng đầu của NASA Gavin Schmidt, người không tham gia nghiên cứu này cho biết trong một nghiên cứu khác: Ngay cả khi không giảm lượng khí aerosol làm mát, nhiệt độ toàn cầu vào năm 2020 đã vượt qua mức phá kỷ lục nhiệt hàng năm do đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên - và hiệu ứng aerosol có thể đủ giúp đưa năm ngoái trở thành năm nóng nhất trong hệ thống số liệu của NASA.
Ông Gettelman nói: “Không khí sạch sưởi ấm hành tinh một chút, nhưng nó làm ít người tử vong hơn rất nhiều so với ô nhiễm không khí”.
Theo HOA LAN (Báo Nhân Dân)