Người phụ nữ mua khẩu trang trên đường phố New York, Mỹ. (Ảnh: AP)
Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, ghi nhận tổng cộng hơn 33,8 triệu ca mắc và gần 602 nghìn ca tử vong. Trong ngày qua, nước này ghi nhận 28.541 ca mắc mới và 636 ca tử vong.
Dù có số ca mắc Covid-19 đứng sau Mỹ, nhưng Ấn Độ đang chứng kiến tốc độ lây nhiễm và tử vong do SARS-CoV-2 nhanh nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 276.261 ca mắc và 3.880 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil, quốc gia xếp thứ ba về số ca mắc Covid-19, báo cáo 79.706 ca mắc mới và 2.485 ca tử vong,
Ngày 19-5, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho biết, số ca mắc mới Covid-19 ở châu Mỹ đang có xu hướng giảm trong tháng qua, đặc biệt là tại Mỹ, nhờ chương trình tiêm chủng đại trà mà các nước đang triển khai. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh vẫn còn khoảng cách rất lớn trong hoạt động tiêm chủng vaccine ở khu vực này khi phần lớn số người được tiêm chỉ ở Mỹ và chỉ có khoảng 3% số người ở Mỹ Latinh đã hoàn thành việc tiêm chủng.
Mặc dù số các trường hợp mắc mới Covid-19 đã giảm ở nhiều nước châu Mỹ, nhưng tại một số quốc đảo ở vùng Caribe như Bahamas, Haiti hay Trinidad và Tobago, số trước hợp tử vong lại tăng gấp đôi trong tuần qua.
Bà Etienne khẳng định những tiến bộ được ghi nhận tại Mỹ là minh chứng về tính hiệu quả và an toàn của vaccine phòng Covid-19, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến trình tiếp cận vaccine tại tất cả các nước trong khu vực.
Bang New York của Mỹ đã chính thức mở cửa lại hoàn toàn các hoạt động và người dân đã tiêm vaccine không bắt buộc phải đeo khẩu trang cũng như thực hiện giãn cách xã hội khi ra đường kể từ ngày 19-5.
Thống đốc Andrew Cuomo tuyên bố toàn bộ các cửa hiệu, nhà hàng, trung tâm giải trí, nhà hát và bảo tàng từ nay không phải hạn chế số lượng khách ở mức thấp nữa và hệ thống tàu điện ngầm của New York cũng chính thức hoạt động 24/24 giờ như trước khi đại dịch xảy ra. Người dân đã tiêm chủng chỉ phải đeo khẩu trang tại các nhà dưỡng lão, bệnh viện hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng.
Nhiều trung tâm mua sắm lớn như Target, CVS, Walmart hay chuỗi cửa hàng Starbucks đã chính thức áp dụng quy định vừa được thay đổi này. Tuy nhiên, giới chức bang cũng khẳng định các doanh nghiệp tại New York có quyền có chính sách riêng và tiếp tục yêu cầu nhân viên của mình đeo khẩu trang nếu thấy cần thiết.
Sở Y tế thành phố New York vẫn khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà khi không rõ những người chung quanh đã tiêm vaccine hay chưa, mà cụ thể là tại các cửa hàng, phòng tập thể thao, hiệu làm tóc hay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp khác.
Nếu tình hình tiếp tục biến chuyển theo chiều hướng tích cực, Thống đốc Cuomo cho biết sẽ cho phép không phải áp dụng giãn cách xã hội trong những không gian nhỏ trong nhà như sân khấu nhạc kịch Broadway trước ngày 19-6 tới.
Tính đến hết ngày 18-5, khoảng 52% người dân New York đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19 và 43% người dân đã được tiêm đủ liều. New York cũng dự kiến sẽ sớm tổ chức nhiều sự kiện truyền thống nổi tiếng tạo nên đặc thù riêng có của mình như giải bóng chuyền nhà nghề, giải chạy marathon và các buổi biểu diễn tại sân khấu tạp kỹ trứ danh Radio City Music Hall trong năm nay.
Quyết định đánh dấu thời khắc lịch sử này được giới chức bang New York đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 13-5 có hướng dẫn về việc những người đã tiêm vaccine không cần phải đeo khẩu trang hoặc giãn cách xã hội và dữ liệu của bang cũng cho thấy số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 tại New York đã xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại New York cách đây hơn một năm.
Tại châu Âu, dù đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và đang từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch, Pháp vẫn là nước có số ca nhiễm theo ngày cao nhất châu lục, với 19.050 ca mắc mới và 141 ca tử vong. Hiện nước ngày ghi nhận tổng cộng 5,9 triệu ca mắc, trong đó hơn 108 nghìn người đã tử vong.
Tại khu vực Đông - Nam Á, Indonesia vẫn là điểm nóng, với 4.871 ca nhiễm mới và 192 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 1.753.101 và số bệnh nhân tử vong là 48.669.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 20-5 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 165.540.600 ca mắc, 3.431.121 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 33.802.324 ca mắc, 601.949 ca tử vong
2. Ấn Độ: 25.771.405 ca mắc, 287.156 ca tử vong
3. Brazil: 15.815.191 ca mắc, 441.864 ca tử vong
4. Pháp: 5.917.397 ca mắc, 108.181 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.151.038 ca mắc, 45.419 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.753.101 ca mắc, 48.669 ca tử vong
2. Philippines: 1.159.071 ca mắc, 19.507 ca tử vong
3. Malaysia: 485.496 ca mắc, 2.040 ca tử vong
4. Myanmar: 143.159 ca mắc, 3.216 ca tử vong
5. Thái Lan: 116.949 ca mắc, 678 ca tử vong
6. Singapore: 61.689 ca mắc, 31 ca tử vong
7. Campuchia: 23.282 ca mắc, 159 ca tử vong
8. Việt Nam: 4.690 ca mắc, 37 ca tử vong
9. Lào: 1.737 ca mắc, 02 ca tử vong
10. Brunei: 235 ca mắc, 03 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 47.900.416 ca mắc, 625.862 ca tử vong
2. Châu Âu: 46.304.217 ca mắc, 1.055.097 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 39.334.192 ca mắc, 881.396 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 27.174.815 ca mắc, 739.931 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.759.633 ca mắc, 127.592 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 66.606 ca mắc, 1.228 ca tử vong
Theo H.H (Nhân Dân)