Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

15/03/2021 - 05:03

 - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) An Giang luôn quan tâm công tác thi hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và đã được các đơn vị, địa phương phối hợp triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Qua đó, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác BHXH, BHYT và huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Từ đó, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng qua các năm, đạt và vượt chỉ tiêu; từng bước thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được mở rộng…

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội An Giang Diệp Thành Bu cho biết, năm 2020, BHXH đã thực hiện và phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện 64 cuộc thanh, kiểm tra tại 139 đơn vị, đạt 149,46 % so với kế hoạch. Kết quả: tăng mới và điều chỉnh mức đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 171 lao động với số tiền truy đóng gần 777 triệu đồng; khắc phục nợ đọng số tiền 10.614 triệu đồng; thu hồi về quỹ BHXH, BHYT do thanh toán sai quy định số tiền 3.480 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 2 đơn vị với số tiền hơn 22 triệu đồng.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội tỉnh, kết quả thanh, kiểm tra năm 2020 cho thấy, tình hình chấp hành quyết định thanh, kiểm tra của các đơn vị được thanh, kiểm tra khá tốt. Năm 2020 có 22/25 đơn vị có hành vi nợ chậm đóng đã nộp khắc phục một phần hoặc hoàn toàn số nợ ngay khi nhận quyết định thanh, kiểm tra (chiếm 88%). Nhiều đơn vị đã thực hiện báo tăng lao động ngay sau khi biên bản thanh, kiểm tra được lập. Tổng số nợ chậm đóng của các đối tượng được thanh, kiểm tra năm 2020 đã khắc phục trên tổng nợ là 5.429,84/7.618,96 triệu đồng (chiếm 71,26%).

Tham gia BHXH, BHTN, BHYT là trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động theo quy định của pháp luật tại Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm. Việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động góp phần ổn định xã hội và phát triển đất nước.

Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định cụ thể để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Cụ thể, đối với vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN: ngày 1-3-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó tại Chương III với 3 điều (Điều 38, 39, 40) quy định cụ thể về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH.

Theo đó, mức phạt tương ứng với các hành vi vi phạm của người lao động và người sử dụng lao động trong lĩnh vực BHXH, BHTN từ 500.000 đồng đến 75 triệu đồng. Tại Khoản 1, Điều 5 nghị định này đã nêu mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương III (trừ Khoản 5, Điều 40) là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với vi phạm trong lĩnh vực BHYT, ngày 28-9-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó tại Mục 5 chương II dành riêng cho các quy định về hành vi vi phạm hành chính về BHYT với 16 điều (từ Điều 80 đến Điều 95) quy định 16 nhóm hành vi vi phạm về BHYT được nêu ra.

Theo nghị định này, tất cả các hành vi vi phạm lĩnh vực BHYT được quy định trong nghị định có thể bị phạt tiền vi phạm hành chính từ 200.000 đồng tới 70 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm, mức độ gây thiệt hại. Tại Khoản 5, Điều 4 nghị định này cũng quy định mức phạt tiền được quy định tại Chương II nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Bên cạnh đó, ngày 15-8-2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Như vậy, nếu người sử dụng lao động cố tình vi phạm về BHXH, BHTN, BHYT thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định.

Năm 2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm, thanh tra chuyên ngành và thanh, kiểm tra liên ngành. Theo đó, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trong thời gian tới; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị trực thuộc và các tổ chức, cá nhân để kịp thời chấn chỉnh và thi hành nghiêm chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, đảm bảo công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực này thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, chậm đóng, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích