Góp công làm “sống lại” nghề đan đệm bàng Ba Chúc với diện mạo mới, chị Trần Thị Trang (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) đã gặt hái được những thành công nhất định sau 7 năm miệt mài với nghề truyền thống. Lớn lên và gắn liền với nghề đan đệm bàng, nhận thấy nghề ngày càng mai một, chị Trang nhen nhóm ý tưởng kinh doanh. Sau thời gian làm việc ngoài tỉnh, chị quyết chí mở ra hướng đi mới. Chị trao đổi với các nghệ nhân trong làng nghề để thống nhất ý tưởng, thiết kế mẫu mã, mong mỏi lớn nhất là có đầu ra ổn định, thu mua nguồn đệm của bà con trong xóm và ai cũng có việc làm thường xuyên.
Những sợi bàng truyền thống ở thị trấn Ba Chúc vốn chỉ đơn điệu làm được giỏ đi chợ, đệm trải giường, nay đã nâng cấp, “biến hóa” thành túi xách, ba-lô, nón, thảm, vật dụng mỹ nghệ rất được lòng khách hàng trong và ngoài tỉnh. Đơn hàng ngày càng tăng, chị Trang vẫn miệt mài với nhiệm vụ sáng tạo mẫu mã hàng ngày và tận dụng mọi cơ hội để tìm kiếm thêm thị trường mới.
Các sản phẩm từ cỏ bàng theo chân chị có mặt từ lễ hội đặc sản bản địa đến lễ hội nông sản, đặc sản vùng miền, hội chợ, và chị luôn biết cách tạo điểm nhấn cho gian hàng riêng của mình. Chị còn đầu tư các sản phẩm chất lượng, xây dựng câu chuyện, chiến lược tiếp cận thị trường để mạnh dạn tham gia nhiều cuộc thi dự án khởi nghiệp.
Cỏ bàng sáng tạo thành nhiều sản phẩm được chị Trang giới thiệu thông qua các lễ hội, hội chợ
Tháng 9 này, câu chuyện cỏ bàng từ quê ra phố của cô gái ở xóm bàng Ba Chúc tiếp tục tìm kiếm cơ hội khi lọt vào vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức.
Sản phẩm thủ công cỏ bàng đã xuất sang nước ngoài nhờ mẫu mã độc đáo, chủ yếu là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, với khoảng 3.000 sản phẩm/tháng. Những người đồng lòng theo chị Trang giờ đã có thể yên tâm tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống của quê hương sau giai đoạn đột phá đổi mới.
Đợt dịch COVID-19, chị Chau Thị Nương (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) nghiên cứu nấm dược liệu và quyết định mở trang trại với mục đích tạo ra sản phẩm vì sức khỏe. Từ mô hình tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm đen, chị Nương đã xây dựng thương hiệu mang tên “Nấm mối nàng Nương”, không chỉ cung ứng sản phẩm nấm mối tươi ra thị trường, mà còn cung cấp phôi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho khách hàng tự trồng nấm tại nhà với số lượng ít, giúp khách hàng vừa được trải nghiệm, vừa có được thực phẩm sạch cho gia đình.
Khởi nghiệp thành công, khi trang trại phát triển chuỗi cửa hàng nấm sạch “Nương farm”, chị tạo điều kiện cho lao động ở địa phương, chủ yếu là những người có việc làm không ổn định, người cao tuổi, phụ nữ dân tộc thiểu số… đến trang trại làm việc. Nơi đây hiện đang tạo việc làm ổn định cho 10 phụ nữ với mức thu nhập gần 8 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Lê Bích Phượng cho biết, 5 năm qua, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã giúp đỡ 1.271 hộ gia đình phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Nhiều hoạt động đa dạng và phong phú được triển khai có hiệu quả nhằm nâng cao quyền năng làm kinh tế cho phụ nữ, như: Mô hình sinh kế, tạo việc làm tại chỗ, hỗ trợ vốn tín dụng cho phụ nữ thuộc diện hộ nghèo.
Các hoạt động trên thực hiện gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, gia đình “5 có, 3 sạch”, Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương…
Hội LHPN các cấp còn tích cực triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 939), góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ. Trong đó, quan tâm đến thành phần phụ nữ yếu thế, phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa… Các cấp hội còn tăng cường phối hợp, liên kết giới thiệu đào tạo, tổ chức các nhóm, tổ phụ nữ giúp nhau học nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường để góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Riêng năm 2023, Đề án 939 đang tập trung để đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng đề ra. Trong đó, phấn đấu có 100% cán bộ chuyên trách hội LHPN các cấp và cán bộ các sở, ngành, đoàn thể triển khai đề án được cập nhật kiến thức, nội dung liên quan; 90% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi sự kinh doanh, việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống; hỗ trợ ít nhất 55 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Các cấp hội phối hợp, vận động, hỗ trợ thành lập mới tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất - kinh doanh do phụ nữ làm chủ; hỗ trợ, thành lập 1 hợp tác xã có phụ nữ tham gia Hội đồng quản trị; phối hợp tư vấn, hỗ trợ 25 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia, trực tiếp quản lý.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hoạt động nhằm nâng cao quyền năng làm kinh tế cho phụ nữ, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, phát triển hợp tác xã; vai trò, vị trí của phụ nữ trong phát triển kinh tế…
Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, nêu gương điển hình tiên tiến, nhân rộng những mô hình hiệu quả, cách làm hay trong hoạt động nâng cao quyền năng, tôn vinh giá trị của phụ nữ, lan tỏa động lực cho hội viên phụ nữ noi theo và hưởng ứng.
MỸ HẠNH