Tạo chuyển biến tích cực
Cuối năm 2022, toàn tỉnh An Giang công nhận 507.165 hộ gia đình văn hóa, đạt 94% tổng số hộ; 879 khóm, ấp văn hóa, đạt 100% tổng số khóm, ấp; 87 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (NTM), đạt 75% tổng số xã; 27 phường, thị trấn văn minh đô thị, đạt gần 73% tổng số phường, thị trấn.
Trong quý I/2023, Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn hóa NTM tại các xã: Vĩnh An, Tân Phú (huyện Châu Thành); Lê Chánh, Tân Thạnh (TX. Tân Châu). Tiếp tục nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là mô hình gắn với tiêu chí cảnh quan môi trường, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh trật tự, như: “Tuyến đường thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch - an ninh”, “Đoạn đường không rác”, “Tuyến đường ánh sáng an ninh”, “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo”...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, năm 2023, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; khu dân cư văn hóa, tiêu biểu. Đồng thời, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) văn hóa; lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có với thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và chuyên môn nghiệp vụ.
Việc triển khai thực hiện các nội dung trên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Kết luận 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 - 2026. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tổ chức, triển khai giải pháp đồng bộ, hiệu quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo chuyển biến tích cực và sâu rộng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Để phong trào ngày càng thực chất
“Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp; chấn chỉnh kỷ cương, đẩy lùi bệnh hình thức, đặc biệt chú trọng văn hóa ứng xử, văn hóa DN, văn hóa giao thông. Xây dựng chương trình phối hợp giữa các cơ quan thành viên thực chất, hiệu quả để phát huy sức mạnh tổng hợp; áp dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền gương điển hình, gương người tốt, việc tốt, phù hợp từng nhóm đối tượng; nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo” - ông Trần Anh Thư yêu cầu.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Trương Bá Trạng, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, đơn vị tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh lãnh, chỉ đạo các nội dung hoạt động của phong trào; nghiên cứu mô hình hay, cách làm sáng tạo đã tổng kết, đánh giá để nhân rộng toàn tỉnh. Cùng với đó, đơn vị sẽ tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho Ban Chỉ đạo phong trào các cấp. Phối hợp sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng nội dung phối hợp về lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, trật tự an toàn xã hội, môi trường; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện tiêu chí “Đô thị văn minh” trong bình xét NTM…
Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang phối hợp các cơ quan, tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động đến từng người dân, hộ gia đình, khu dân cư và toàn xã hội thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tham gia chỉ đạo và giám sát việc thực hiện quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh. Hướng dẫn cụ thể cho địa phương, cơ sở quy trình lấy ý kiến của người dân về sự hài lòng. Xây dựng đời sống văn hóa thông qua thực hiện hiệu quả phong trào thi đua ở cộng đồng dân cư và các cuộc vận động, phong trào xã hội lớn, như: “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng văn hóa giao thông…
Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, huyện, thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phong trào giai đoạn 2021 - 2026, phù hợp yêu cầu và thực tiễn địa phương. Quan tâm đầu tư, có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thiết chế văn hóa phục vụ người dân và công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng công trình văn hóa, thiết chế văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ cho hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của cơ quan, đơn vị, DN; khóm, ấp, câu lạc bộ, nghệ nhân, nghệ sĩ để khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân nâng cao thể chất, tinh thần. Đồng thời, phát động phong trào thi đua giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường tại khóm, ấp; cơ quan, đơn vị, DN, làm điểm nhấn cho hoạt động phong trào năm 2023…
MINH THƯ