Nâng chất hoạt động trợ giúp pháp lý

06/09/2024 - 06:42

 - Thành lập theo Quyết định 734/QĐ-TTg, ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ, trải qua 27 năm hình thành và phát triển, hoạt động trợ giúp pháp lý đã thực sự đi vào đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế.

Đây là một trong những chính sách có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Vượt qua khó khăn, thách thức từ những năm đầu thành lập, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh An Giang đã trưởng thành về mọi mặt, ngày càng hoàn thiện, toàn diện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ở từng thời kỳ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nhiều năm qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, không ngừng đổi mới, nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng, góp phần cơ bản để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng. 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm thực hiện trợ giúp 100% yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý liên quan đến hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính và một số lĩnh vực khác.

Cụ thể, tư vấn pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình 53 vụ việc; tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng 190 vụ việc; 100% trợ giúp viên pháp lý của trung tâm tham gia tố tụng 190 vụ việc, chiếm tỷ lệ 100%. Các vụ việc đều thành công, hiệu quả theo các tiêu chí của Bộ Tư pháp.

Trợ giúp pháp lý cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị

Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý là một trong những hoạt động quan trọng, giúp người dân tiếp cận và biết về chính sách trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Ngay từ đầu năm 2024, trung tâm đã chú trọng tổ chức hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý với các hình thức đa dạng, linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm người.

Từ tháng 1/2024 đến nay, trung tâm phối hợp UBND, phòng tư pháp cấp huyện tổ chức thực hiện thành công 5 cuộc truyền thông (huyện Tri Tôn, An Phú, TX. Tịnh Biên), với gần 250 lượt người tham dự. Cấp phát hơn 250 tờ gấp, tài liệu liên quan đến lĩnh vực pháp luật thiết yếu cho người dân, như: Hôn nhân gia đình, luật đất đai...

Hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua tư vấn pháp luật tại trụ sở, hoạt động truyền thông. Trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký hợp đồng tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý tích cực, nhiệt tình trong công việc, quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh An Giang Phan Văn Hùng nhấn mạnh: “Từ những kết quả đạt được, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý cho tất cả người thuộc diện được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; phối hợp với các địa phương tổ chức truyền thông công tác trợ giúp pháp lý kết hợp tư vấn pháp luật”.

Phát huy những thành tích đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Tư pháp, tập thể Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh An Giang luôn nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, lập nhiều thành tích mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của ngành tư pháp và hệ thống trợ giúp pháp lý Việt Nam.

SONG MINH