Già Đặng Hành Phi, xã Tân Lập (huyện Chợ Đồn) tự học và sưu tầm tài liệu chữ Nôm Dao. (Ảnh MINH TÂM)
Nhiều lớp dạy chữ Nôm Dao, Nôm Tày đã mở ở các thôn, bản xa của tỉnh Bắc Kạn thu hút không chỉ học viên trong tỉnh, mà cả những học viên ở nhiều tỉnh xa cũng lặn lội tới đây.
Nặng lòng với chữ
Nói tới điển hình về bảo tồn chữ Nôm Dao ở Bắc Kạn không thể không nhắc tới xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn. Tháng 3/2011, lớp dạy chữ Nôm Dao đầu tiên của Bắc Kạn được già Triệu Tài Vinh tự mở ở Bản Cuôn. Hàng trăm học viên trong và ngoài tỉnh đã học và “tốt nghiệp” lớp học này. Tuy nhiên, được vài năm thì già Vinh đau ốm rồi qua đời. Mạch chữ Nôm Dao ở Bản Cuôn tưởng như đứt đoạn. May sao, tiếp nối già Vinh đã có những người già khác tiếp tục đứng lớp hằng ngày.
Chúng tôi trở lại Ngọc Phái khi những cây mận, cây đào đã bắt đầu cựa mình chuẩn bị đón xuân. Ở Bản Cuôn 2, một lớp học “không đồng” đặc biệt đang giờ lên lớp. Đó là lớp dạy chữ Nôm Dao của già Triệu Xuân Minh. Sở dĩ gọi là lớp “không đồng” vì lớp học này không thu một đồng học phí nào của học viên. Học viên chỉ cần chuẩn bị vở, mực tàu, nghiên mực, bút lông còn “giáo trình” thì già Minh đã phô-tô và phát miễn phí.
Già Minh năm nay đã cao tuổi. Màu thời gian đã nhuộm bạc mái đầu, những nếp nhăn, đồi mồi đã nhiều nhưng không thay đổi được quyết tâm về việc truyền dạy cái chữ. Già Minh chia sẻ: “Học chữ Nôm Dao là để hiểu về nhân nghĩa, bên trong không làm tổn thương nhân phẩm con người, bên ngoài không hại đến vật, trên không phạm trời, trần gian không phạm người. Anh em biết giữ chừng mực, hòa khí, thấu hiểu triết lý đời sống, khi đó người ta sẽ tự giác không phạm đến các chuẩn mực xã hội. Người học chữ Dao tốt sẽ tự mình nhận biết lẽ sống, có lòng hiếu thảo với cha mẹ và nhân đạo với mọi người”.
Trước đây, theo quan niệm của dân tộc Dao, chỉ nam giới mới được học chữ, nhưng ngày nay, dù nam hay nữ, già hay trẻ đều có thể đăng ký và theo học. Anh Triệu Quý Trìu khăn gói quả mướp từ tận Tuyên Quang lặn lội sang học chữ với thầy Minh. Anh bảo: “Mình là người Dao nhưng lại không biết chữ Dao. Vì thế, mình theo học với mong muốn hiểu thêm về nguồn gốc dân tộc, học hỏi cách thực hiện các lễ nghi để sau này có thể tự phục vụ công việc của gia đình, đồng thời góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc. Đến thời điểm này, mình đã có thể đọc và viết được chữ Nôm Dao”.
Viết chữ Nôm đã khó, viết bằng bút lông, mực tàu thì càng khó gấp bội. Nét nào thanh, nét nào đậm, rồi nét trực, nét huyền... là cả nghệ thuật và để “múa bút” thuần thục là cả một quá trình khổ luyện sau khi đã rành mặt chữ. Những học viên hôm trước còn cầm dao, cầm cuốc, nay khổ luyện viết chữ trong giờ học là một điều thật thú vị.
Cách lớp học “không đồng” của già Minh, xuôi về phía hồ Ba Bể, nằm giữa những cánh rừng già là một lớp học đặc biệt khác. Ai đến với căn nhà nhỏ của già Đặng Hành Phi, thôn Nà Lịn, xã Tân Lập (huyện Chợ Đồn) đều kinh ngạc khi chứng kiến kho thư tịch cổ đồ sộ được già Phi lưu giữ. Những cuốn thư tịch với những hàng chữ rồng bay, phượng múa hầu hết đều “hơn tuổi” già Phi đã được truyền qua nhiều đời.
Giữa căn nhà gỗ nhỏ, những cuốn thư tịch cổ được xếp trang trọng, già Đặng Hành Phi hằng ngày ngồi đọc và ghi chép để biên soạn “giáo trình”. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, già Đặng Hành Phi vẫn là người giảng dạy trực tiếp tại các lớp học chữ Nôm Dao hơn ba năm nay. Lớp học có hơn 30 học viên là người dân tộc Dao trên địa bàn huyện tham gia. Các lớp học được tổ chức vào thời điểm nông nhàn hoặc vào những buổi tối.
Những kho thư tịch cổ không hiếm ở Bắc Kạn, những cuốn sách nhuốm màu thời gian có thể tìm thấy ở nhiều nếp nhà sàn trong những bản làng xa. Nếu không có sự nặng lòng của những cụ già thì những vốn quý này sẽ đứng trước nguy cơ mai một. Không chỉ là mất đi những trang sách, mà cái mất lớn hơn cả chính là kho tàng tri thức được ghi chép trong những thư tịch ấy.
Đó là nỗi lo đau đáu nhiều năm nay của Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Phúc. Mấy chục năm qua, ở nếp nhà nhỏ tại bản Nà Coóc, xã Bộc Bố (huyện Pác Nặm), già Phúc đã miệt mài sưu tầm, ghi chép lưu giữ hàng trăm cuốn thư tịch chữ Nôm Tày. Biết chúng tôi muốn được mục sở thị kho sách quý, già Phúc lặng lẽ, run run mở cánh tủ gỗ đặt ở tầng trệt ngôi nhà. Khi cánh tủ được mở ra, phía trong là những quyển sách khâu gáy chi chít ký tự. Gia tài này của già Phúc đã được truyền thừa cả trăm năm, cùng với đó là những cuốn sách được già ghi chép lại trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về chữ Nôm Tày. Thể loại sách cũng rất phong phú và đa dạng. Từ sách văn học dân gian như truyện Lương Nguyên, Phạm Công-Cúc hoa, Tần Chu; thơ Nôm Tày… đến sách thực hành tín ngưỡng Tày như Kỳ yên, giải hạn, nối số, đầy tháng, sách cấp sắc.
“Sách chữ Nôm Tày rất nhiều, hiện tôi có vài trăm cuốn. Chủ yếu do các cụ từ xưa truyền lại và một phần tôi tự tìm hiểu, ghi chép thêm. Chữ Nôm Tày là người già truyền lại cho tôi. Giờ thì ít người biết lắm. Ở huyện Pác Nặm chỉ còn khoảng năm đến sáu người biết thôi”, già Phúc bâng khuâng.
Nối dài mạch chữ
Hơn 5 năm nay, chị Lương Thu Hoài cùng đồng nghiệp ở Thư viện tỉnh Bắc Kạn rong ruổi trên chiếc xe máy, mang theo máy ảnh lặn lội đến từng thôn, bản xa để chụp lại thư tịch cổ. Thư tịch cổ, tài liệu chữ Nôm thì nhiều nhưng không phải cuốn nào cũng được các già làng, thầy Tào lưu giữ. Nhiều cuốn dù được truyền đời nhưng đến con cháu không biết chữ, không đọc được nên nằm ở một góc tủ trong nhà nào đó.
Chị Hoài kể, nhiều thôn, bản phải lặn lội đi bộ mới tới. Có khi tới thì chủ nhà không ở nhà lại phải đợi cả buổi. Nhiều cuốn sách cổ khi đem trong tủ ra đã mục, nát, có trang bị rách phải nâng niu, chụp cẩn thận. Khó nhất là không phải gia đình nào cũng đồng thuận, tạo điều kiện vì họ cho rằng lý do tâm linh nên không cho phép sao chụp hết, chỉ được chụp những cuốn thông dụng.
Công việc của chị Hoài và Thư viện tỉnh chỉ được bắt đầu từ năm 2018 khi Bắc Kạn đầu tư 250 triệu đồng, giao Thư viện tỉnh thực hiện đề án sưu tầm, số hóa tài liệu các dân tộc thiểu số. Việc số hóa được thực hiện theo phương pháp chụp ảnh, quét thành dữ liệu lưu trên máy tính, bảo đảm thông tin đúng hiện trạng, nội dung từng tài liệu cổ. Từ sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates (Mỹ), Thư viện tỉnh Bắc Kạn được trang bị máy chủ, máy chiếu, máy quét ảnh, 40 máy tính, thiết bị ngoại vi… đáp ứng cho việc số hóa các tài liệu, thư tịch cổ.
Đến nay, tổng số tài liệu sưu tầm được là 200 cuốn với hơn 35.500 trang tư liệu. Nội dung thể hiện về phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Tài liệu hầu hết là bản thảo viết tay bằng chữ Nôm được truyền nhiều đời. Từ các trang tư liệu này, Thư viện tỉnh Bắc Kạn đã số hóa được 29.000 trang lưu giữ trong ổ cứng và đưa lên phần mềm thư viện số Dspace do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ.
Với những trang thư tịch cổ đã được sao lưu, số hóa, nỗi lo về những trang giấy dần bạc màu, mục nát theo thời gian đã tạm qua đi. Với những lớp dạy chữ Nôm ở các bản làng, nỗi lo không còn người biết chữ Nôm Dao, Nôm Tày cũng đã tạm lắng. Và lúc này, đòi hỏi đặt ra là làm thế nào để phát huy giá trị của chữ Nôm.
Câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị chữ Nôm đã được tỉnh Bắc Kạn quan tâm. Nhờ vậy, mạch chữ Nôm đã không còn ngắt quãng và được kỳ vọng sẽ phát huy giá trị trong thời gian tới. Với nỗ lực nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, đến nay, Bắc Kạn có hai di sản văn hóa thuộc loại hình di sản tiếng nói, chữ viết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là “Chữ Nôm của người Dao” (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn) và “Chữ Nôm của người Tày” (xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm). Số di sản nhận diện được ở loại hình tiếng nói, chữ viết có ba di sản, thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Các địa phương cũng có thêm sự hỗ trợ cho các lớp dạy chữ Nôm.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn tiếp tục rà soát, thống kê, lập danh sách các nghệ nhân, người nắm giữ tri thức, thực hành về tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, từ đó nghiên cứu có chính sách đãi ngộ, khuyến khích các nghệ nhân hiện đang thực hành di sản mở lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc cho các thế hệ trẻ; nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa những bản sách chữ Nôm Tày, Nôm Dao hiện còn lưu giữ trong nhân dân.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn Hoàng Thị Dung trăn trở: “Các tài liệu sưu tầm, số hóa mới chỉ đang ở bước lưu giữ, bảo quản mà chưa đưa ra giới thiệu, quảng bá được. Muốn phục vụ hiệu quả thì các tư liệu này phải được dịch thuật nhưng kinh phí dịch thuật rất lớn, lên tới 150 nghìn đồng/trang tư liệu. Để phát huy những tư liệu quý này, chúng tôi đang nỗ lực tham mưu tỉnh xây dựng hệ thống phần mềm thư viện số, cổng thông tin thư viện và sẽ cố gắng bổ sung kinh phí để dịch thuật toàn bộ”.
Chia tay khi chiều muộn, tôi vương vấn mãi lời của già Đặng Hành Phi, lúc đầu lớp học chữ cũng đông nhưng vì học khó quá nên nhiều học viên lại bỏ. Tôi rất lo chữ Nôm Dao sẽ mai một, mất đi khi những người già nằm xuống.
Hiện nay, giữa các ngoại ngữ phổ dụng, trên mạng xã hội ngập tràn thông tin hấp dẫn giới trẻ thì dường như chữ Nôm đang chìm khuất. Chỉ nỗ lực của những người già với chữ Nôm thôi có lẽ là chưa đủ. Để vốn quý này giữ gìn, phát huy và chữ Nôm “sống” được giữa thời hiện đại vẫn là một câu chuyện dài.
Theo Nhân Dân