Nắng nóng bất thường báo hiệu mùa Hè thời tiết cực đoan
21/05/2025 - 19:22
Các hiện tượng thời tiết bất thường như nắng nóng kỷ lục và hạn hán nghiêm trọng đang xuất hiện ngày càng dày đặc trên khắp các châu lục, phản ánh rõ tình trạng ấm lên toàn cầu và những tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái và đời sống con người.
AA
Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng, tại Kyoto, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ngày 20/5, trạm khí tượng Casablanca ở thủ đô của Cuba ghi nhận mức nhiệt 38°C - mức cao kỷ lục trong lịch sử tháng 5 của thành phố này. Viện Khí tượng Cuba cho biết mức nhiệt này vượt xa mức trung bình 30–31°C thường thấy vào thời điểm chuyển mùa.
Đợt nắng nóng bất thường này không chỉ xảy ra ở thủ đô mà còn lan rộng ra nhiều khu vực khác trên khắp đảo quốc Caribe. Chỉ vài ngày trước đó, thành phố Jovellanos thuộc tỉnh Matanzas ở phía Tây Cuba đã ghi nhận mức nhiệt 36,8°C, trong khi hai địa phương Jucarito và Veguitas ở tỉnh miền Đông Granma cũng lần lượt chạm các mức nhiệt 36,6°C và 36,1°C.
Hiện Cuba và khu vực Caribe đang đối mặt với những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo nhiệt độ cao bất thường trong tháng 5, vốn được coi là giai đoạn chuyển mùa tại Cuba, có thể là dấu hiệu của một mùa hè cực đoan hơn dự kiến.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), khu vực Caribe đang ấm lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, với nhiệt độ bề mặt biển tăng kỷ lục góp phần làm gia tăng cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong những năm gần đây, Cuba đã chứng kiến sự gia tăng tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng, cùng với những thay đổi bất thường trong chế độ mưa.
Đợt nắng nóng hiện tại đang gây ra nhiều khó khăn cho người dân La Habana, đặc biệt khi thành phố vẫn đang vật lộn với tình trạng thiếu điện do khủng hoảng năng lượng.
Giới chuyên gia dự báo hiện tượng nắng nóng này có thể còn kéo dài trong vài ngày tới, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn trong mùa mưa sắp tới do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina - khi nhiệt độ bề mặt biển trở nên lạnh hơn, đang hình thành.
Ở châu Á, Hàn Quốc cũng ghi nhận nhiệt độ buổi sáng tháng 5 cao kỷ lục. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết ngày 21/5, Seoul ghi nhận nhiệt độ tối thiểu buổi sáng là 23°C, cao nhất từng được ghi nhận trong các tháng 5 kể từ năm 1907. Các thành phố khác như Incheon, Pohang và Uljin cũng chứng kiến mức nhiệt tối thiểu kỷ lục, cho thấy tình trạng nắng nóng trái mùa đang bao phủ nhiều khu vực Đông Á.
Tại Mỹ, Công viên quốc gia Everglades ở Florida đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng vào cuối mùa khô. Lượng mưa thiếu hụt khiến các tuyến đường thủy tự nhiên gần như khô cạn, đe dọa môi trường sống của hàng nghìn loài động vật hoang dã, đồng thời gây thiệt hại nặng cho ngành du lịch sinh thái địa phương. Nhiều doanh nghiệp không thể vận hành thuyền du lịch trong suốt hơn một tháng qua.
Theo các nhà khoa học tại Quỹ Everglades, ngoài khí hậu, hệ sinh thái nơi đây còn bị tổn thương bởi việc thay đổi dòng chảy tự nhiên phục vụ phát triển đô thị và nông nghiệp suốt thế kỷ qua. Một dự án phục hồi quy mô lớn đang được triển khai nhằm khôi phục dòng nước tự nhiên từ phía bắc xuống phía nam Everglades, song kết quả vẫn chưa thể thấy ngay.
Trong bối cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng cả về cường độ và tần suất, các chuyên gia nhấn mạnh rằng những biến động khí hậu đang ngày càng rõ ràng hơn trên toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải hành động quyết liệt để thích ứng và giảm thiểu tác động từ khủng hoảng khí hậu.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: