Người dân uống nước giải nhiệt trong ngày nắng nóng tại Prayagraj, Ấn Độ, ngày 10/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Dữ liệu mới nhất cho thấy, đài quan sát Safdarjung, được coi là điểm đánh dấu chính thức của thành phố, đã ghi nhận nhiệt độ tối đa là 44,6°C, trong khi đường Palam và đường Lodhi ghi nhận lần lượt là 44°C và 44,7°C. Khu vực Ridge chứng kiến nhiệt độ tăng vọt lên 45,5°C. Vào buổi sáng, thủ đô quốc gia ghi nhận nhiệt độ tối thiểu là 32,4 độ C, cao hơn 4 độ so với mức trung bình theo mùa.
Trong bối cảnh khu vực thủ đô quốc gia đã phải trải qua tình trạng nắng nóng trong 5 ngày qua, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài trong 5 ngày tới.
Bên cạnh đó, IMD cho biết tình trạng nắng nóng dự kiến gia tăng ở một số bang ở miền bắc Ấn Độ. Theo dự báo mới nhất của IMD, các điều kiện từ nắng nóng đến nắng nóng cực đoan rất có thể sẽ xảy ra ở nhiều vùng của Uttar Pradesh và một số khu vực ở Haryana, Chandigarh, Delhi, Punjab, Bihar và Jharkhand.
Trong diễn biến khác, một nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace Ấn Độ và Liên đoàn bán hàng rong quốc gia phối hợp với Trường nghệ thuật tự do cộng sinh ở Pune thực hiện đối với hơn 700 người bán hàng rong trên khắp 15 khu chợ ở Delhi trong tuần đầu tiên của các tháng Tư và Năm cho thấy, những người bán hàng rong ở Delhi bị mất thu nhập trong đợt nắng nóng kéo dài và phải chịu những ảnh hưởng về sức khỏe như đau đầu, mất nước và khó chịu...
Kết quả cho thấy 49,27% người bán hàng rong tham gia khảo sát cho biết họ bị mất thu nhập trong đợt nắng nóng và 80,08% cho biết số lượng khách hàng đã giảm, 82,74% cho biết thiếu hướng dẫn về cách quản lý các hậu quả của đợt nắng nóng và 71,05% cho biết họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận trợ giúp y tế trong các trường hợp khẩn cấp.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các tác động của nắng nóng đối với sức khỏe của những người bán hàng rong: 73,44% có biểu hiện khó chịu, 66,93% đau đầu, 67,46% mất nước, 66,53% cháy nắng, 60,82% mệt mỏi và 57,37% bị chuột rút cơ bắp.
Theo bà Selomi Garnaik – một trong những thành viên tham gia nghiên cứu của tổ chức Greenpeace Ấn Độ, những người làm việc ngoài trời phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe. Bản nghiên cứu cũng khuyến nghị chính quyền Delhi “cung cấp những thứ cần thiết như nước, vệ sinh và trung tâm làm mát cho những người bán hàng rong, đồng thời kêu gọi thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp cho những người bán hàng rong bị mất thu nhập và các chi phí bổ sung do sóng nhiệt, đảm bảo an toàn và ổn định cho họ”.
Theo TTXVN