Nét đẹp trong trang phục đồng bào Chăm ở An Giang

15/10/2023 - 18:52

Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở An Giang được giữ gìn đến ngày nay là một tín hiệu văn hóa mà họ luôn tự hào. Nét đẹp, tính thẩm mỹ sáng tạo trong từng chiếc khăn, cái nón, thước vải thổ cẩm rực rỡ… đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hút khách.

Phụ nữ Chăm diện những bộ đồ kín đáo, nhưng rất quyến rũ. Nét đẹp ấy sẽ thêm phần kiêu sa khi họ có dịp đội lên đầu chiếc khăn Mispok vào những dịp trang trọng của cộng đồng. Khác với khăn Mispok sản xuất bằng máy thêu, toàn tỉnh An Giang chỉ còn xóm Chăm Châu Giang giữ nghề thêu khăn Mispok thủ công. Giá 1 chiếc khăn từ 850.000 đến hơn 1 triệu đồng.

Du khách đến các làng Chăm An Giang đều thích thú khi được thử trang phục truyền thống của đồng bào. Bên cạnh ẩm thực, trang phục của đồng bào Chăm đã được giữ gìn, phát triển để đưa vào phục vụ du lịch.

Nhờ đó, nghệ dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ mai một đã có điều kiện “sống lại”. Các loại vải thổ cẩm ngày càng được đổi mới để phù hợp với thời đại và nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống đáng quý.

Ở làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú) và làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), cơ sở dệt thổ cẩm hiện là “điểm hẹn” để đón khách đến tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm.

Nhờ dịch vụ này, những nghề truyền thống khác cũng được kết nối và duy trì ổn định theo. Nơi người Chăm sinh sống được xem là một trong những địa điểm tham quan thú vị về văn hóa, ẩm thực, làng nghề, thu hút nhiều khách du lịch.

Gian hàng phong phú sản phẩm được tạo ra từ thổ cẩm đặc trưng của đồng bào Chăm luôn nổi bật và hút khách trong các sự kiện văn hóa, du lịch, xúc tiến thương mại...

Hiện nay, các làng Chăm ở An Giang còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nét đặc trưng của họ đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về sắc màu văn hóa của các dân tộc của tỉnh An Giang.

MỸ HẠNH