Nga lo ngại khi Mỹ muốn loại bỏ chế độ hạn chế vũ khí quốc tế

23/11/2018 - 09:04

Ngày 22-11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nỗ lực của lãnh đạo Mỹ loại bỏ chế độ hạn chế vũ khí quốc tế hiện hành khiến Moskva không thể hiểu nổi và cảm thấy lo lắng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AGI của Italy, ông Lavrov cho rằng Nga và Mỹ với tư cách là những quốc gia sở hữu tiềm năng hạt nhân lớn nhất có trách nhiệm đặc biệt về duy trì an ninh toàn cầu. Giờ đây, lãnh đạo Mỹ muốn cải tổ nhưng trên thực tế là loại bỏ chế độ hạn chế vũ khí quốc tế hiện hành.

Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong nỗ lực bảo đảm cho Mỹ "rảnh tay" trong việc phô diễn sức mạnh quân sự, đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF).

Một số nhân vật trong giới tinh hoa chính trị ở Washington cũng nghi ngờ việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START - 3), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. Ngoại trưởng Nga nêu rõ Moskva  coi "trường phái tư tưởng" như thế là thiển cận và nguy hiểm. Việc quay lại triết lý duy trì hòa bình dựa trên cơ sở khái niệm bảo đảm hủy diệt lẫn nhau không còn phù hợp với thực tế thế kỷ 21.

Nhấn mạnh sự gia tăng các mối đe dọa và thách thức hiện nay, từ đấu tranh chống khủng bố đến giải quyết các tình huống khủng hoảng khu vực và các vấn đề biến đổi khí hậu,  đòi hỏi sự hợp tác giữa Nga và Mỹ, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Moskva sẵn sàng xây dựng mối quan hệ đối tác cùng có lợi với Washington.

Tuy nhiên, mối quan hệ này cần phải dựa trên những nguyên tắc tôn trọng và tính đến các lợi ích của nhau, nhưng rất tiếc các đối tác Mỹ đến nay vẫn chưa hiểu điều này. Moskva hy vọng ý kiến sáng suốt sẽ thắng thế. Điều này đáp ứng lợi ích không chỉ của nhân dân Nga và Mỹ, mà còn toàn bộ cộng đồng thế giới.

Trong những năm gần đây, Moskva và Washington thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF. Nga nhiều lần tuyên bố tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết đưa ra hiệp ước này. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng Moskva có những câu hỏi rất nghiêm túc đối với Mỹ về việc thực hiện INF.

Theo Moskva, việc Washington triển khai trên đất liền, tại căn cứ quân sự ở Romania, cũng như tại Ba Lan, những bệ phóng có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk, bị cấm theo hiệp ước.

Theo DƯƠNG TRÍ (Báo Tin Tức)