Nga lý giải ‘bí kíp’ tạo vaccine COVID-19 chỉ trong 5 tháng

16/08/2020 - 08:07

Những kinh nghiệm quý báu trong quá trình nghiên cứu vaccine phòng các dịch bệnh truyền nhiễm như Ebola và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã giúp các nhà khoa học Nga tìm ra được loại vaccine ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 nhanh hơn mong đợi.


Alexander Gintsburg – người đứng đầu Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya. Ảnh: RT

Trả lời phỏng vấn độc quyền kênh RT, ông  Alexander Gintsburg – người đứng đầu Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya nhấn mạnh mặc dù vaccine chỉ mới được tạo ra trong chưa đầy 5 tháng nhưng nó không phải “loại thuốc được làm mà không chuẩn bị gì từ trước”.

Chuyên gia Gintsburg giải thích: “Cả một thế hệ bác sĩ công nghệ sinh học, nhà virus học, nhà miễn dịch học… có kinh nghiệm hơn 20 năm phát triển công nghệ đã được huy động để tạo ra loại vaccine này cùng với ít nhất sáu loại thuốc khác”.

Ông nói thêm rằng công trình nghiên cứu vaccine Ebola là GamEvac-Combi vài năm trước đặc biệt hữu ích trong việc xác định thành phần của thuốc và liều lượng tiêm chủng.

Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu còn tổng hợp kiến thức đã có trong quá trình phát triển vaccine phòng ngừa MERS – một loại bệnh “tương đồng tới 80% so với COVID-19” song nguy hiểm và gây chết người hơn.

Ngày 15-8, giới chức y tế thông báo Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt vaccine Gam-COVID-Vak hay còn có tên gọi khác là Sputnik V sau khi đăng ký. Tin tức này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu rằng quá trình phát triển vaccine có đang bị đẩy vội và liệu có an toàn khi phân phối vaccine trước khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 hoàn thành.

Đáp lại những lo ngại trên, ông Gintsburg cho rằng vaccine Sputnik V được nghiên cứu và chế tạo theo quy định nghiêm ngặt hiện hành của Nga. Luật pháp Nga cho phép rút ngắn quá trình phát triển do tính cấp bách của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, không có một quy trình đảm bảo an toàn nào bị lược bỏ.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 3.500 người được tiêm vaccine. Họ không biểu hiện tác dụng phụ, ngoại trừ một số triệu chứng điển hình trong quá trình tiêm vaccine như sốt nhẹ… đã được xử lý bằng một liều Paracetamol.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan ra khắp nơi trên thế giới từ cuối tháng 12-2019, các công ty ở nhiều quốc gia đã bắt tay vào quá trình bào chế vaccine. Nga là quốc gia đầu tiên đăng ký vaccine ngừa COVID-19. Nhưng theo ông Gintsburg, thành quả tạo ra vaccine không phải là để chiến thắng cuộc đua.

“Động cơ duy nhất mà tôi cảm nhận được là muốn bảo vệ mọi người. Và với tư cách là một người ‘săn virus vi khuẩn chuyên nghiệp, bắt chúng và tiêu diệt chúng là nhiệm vụ của tôi”, chuyên gia Gintsburg nhấn mạnh.

Theo thống kê trên trang Worldometers, tính đến 7h sáng 16-8, thế giới ghi nhận tổng cộng trên 21,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có ít nhất 766.000 trường hợp tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê tổng cộng 165 vaccine ngừa COVID-19 đang được nghiên cứu và phát triển trên toàn thế giới. Trong số này, có 139 vaccine vẫn đang trong giai đoạn đánh giá, 26 loại khác đang được thử nghiệm lâm sàng ở nhiều giai đoạn khác nhau, với 6 loại bước sang giai đoạn 3 về đánh giá lâm sàng.

Theo BẢO HÀ (Báo Tin tức)