Nga, Mỹ không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh song phương

14/05/2021 - 08:21

Nga và Mỹ đều không đặt kỳ vọng đạt được đột phá tại cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Vladimir Putin bởi cả hai nhà lãnh đạo dường như không sẵn sàng nhượng bộ các bất đồng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp ông Joe Biden khi còn giữ chức Phó Tổng thống Mỹ tại thủ đô Moskva năm 2011. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết chi tiết về hội nghị như địa điểm, thời gian và chương trình nghị sự vẫn đang được hai bên thảo thuận. Nhưng mục tiêu vẫn là lên kế hoạch tổ chức tại quốc gia thứ ba vào tháng 6, sau chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Anh và Bỉ.

Một quan chức Nhà Trắng giấu tên chia sẻ với Reuters: “Tầm nhìn của chúng tôi không phải là khôi phục lại quan hệ. Đây là nỗ lực để khiến mọi thứ dễ dự đoán hơn, cùng hợp tác về những điều thống nhất và nêu rõ quan điểm về bất đồng”.

Chuyên gia về Nga từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, bà Fiona Hill, nhận định: “Mục tiêu là bình ổn. Đây không phải là sự kiện nhằm tìm kiếm đột phá trong mối quan hệ hai quốc gia mà là nỗ lực để giảm thiểu căng thẳng. Tôi nghĩ điều này có thể hiện thực hóa nếu hai nhà lãnh đạo cẩn trọng và thực tế”.

Về phía Điện Kremlin, các quan chức Nga coi hội nghị này là sự kiện quan trọng để lắng nghe trực tiếp Tổng thống Biden.

Mặc dù kinh tế Nga không có quy mô lớn như Mỹ và Moskva đang chậm chân so với Washington ở một số lĩnh vực nhưng đến nay Nhà Trắng vẫn coi Nga là mối đe dọa chính. Tổng thống Biden muốn người đồng cấp Putin ngừng các hành động mà Mỹ coi là gây ảnh hưởng đến bầu cử, tấn công mạng, bên cạnh đó là thả chính khách đối lập Alexei Navalny.

Nhà lãnh đạo Putin lại đánh giá việc Mỹ gây áp lực về Alexei Navalny là can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. Ngoài ra, nếu Mỹ thuyết phục châu Âu gạt bỏ đường ống dẫn dầu “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) thì Moskva sẽ nhìn nhận đây là cuộc tấn công của Washington vào ngành năng lượng Nga.

Moskva cũng không hài lòng về các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào doanh nghiệp và công dân Nga.

Tổng thống Putin, lãnh đạo nước Nga từ năm 1999, đã có kinh nghiệm tiếp xúc với 4 đời Tổng thống Mỹ, tính từ ông Bill Clinton và ông Biden sẽ là ông chủ Nhà Trắng thứ 5.

Còn Tổng thống Biden từ lâu đã không có quan điểm cho rằng nhà lãnh đạo Nga có thể trở thành đối tác. Gần đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn với người dẫn chương trình George Stephanopoulos của kênh ABC News, nhà lãnh đạo Mỹ đã nói rằng ông nghĩ người đồng cấp Nga Putin là “kẻ sát nhân”. Phát biểu của Tổng thống Biden được phát sóng ngày 17-3 đã khiến Chính phủ Nga tức giận. Nga thậm chí còn triệu hồi đại sứ trở về Moskva để tham vấn về phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ.

Song giới quan sát vẫn nhìn nhận, đối với Tổng thống Biden, cuộc gặp sắp tới sẽ là cơ hội để ông đặt dấu ấn cá nhân trong quan hệ với người đồng cấp Nga. Nhưng các quan chức Mỹ cho rằng biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí là hai lĩnh vực mà Moskva và Washington có thể hợp tác.

Tổng thống Putin đã tham gia hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu với nhà lãnh đạo Mỹ trong tháng 4. Hai nhà lãnh đạo cũng nhanh chóng gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sau khi ông Biden bước vào Nhà Trắng.

Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)