Theo đó, trạm vũ trụ tự hành liên hành tinh cuối cùng của Liên Xô là Luna-24, được phóng lên vũ trụ vào năm 1976. Sau đó, Nga chưa lần nào phóng tàu vũ trụ lên vệ tinh của Trái đất.
Trái đất được nhìn từ Mặt Trăng. Ảnh: NASA.
“Tàu vũ trụ sẽ có tên Luna-25, nó thể hiện sự tiếp nối sứ mệnh nghiên cứu Mặt trăng của đất nước trong thế kỷ trước. Ngày phóng dự bị sẽ là ngày 30/10/2021”, ông Mitrofanov nói trong cuộc họp của Viện hàn lâm khoa học Nga.
Được biết, hai khu vực, khu chính và khu dự bị đã được chọn để hạ cánh ở vùng lân cận ở cực nam của Mặt trăng. Vị trí đầu tiên nằm ở phía bắc miệng núi lửa Boguslawsky, vị trí thứ hai ở phía tây nam miệng núi lửa Manzinus. Để hoàn thành sứ mệnh tàu vũ trụ Luna-25 phải đáp xuống một trong hai khu vực này trong phạm vi hình elip cách địa điểm được chọn từ 15 km đến 30 km.
Sau khi hạ cánh, thiết bị sẽ tiến hành các nghiên cứu khoa học về tính chất và thành phần đất đá vùng cực, đo đạc các đặc tính cơ học của nó cũng như nghiên cứu tầng khí quyển ngoài Mặt trăng. Từ trước đến nay chưa có cuộc thăm dò nào diễn ra ở vùng cực. Tất cả các chuyến thăm dò Mặt trăng của Liên Xô và Mỹ, cũng như các thiết bị vũ trụ của các nước khác, đều hạ cánh ở các vĩ độ ôn đới hoặc trong khu vực xích đạo.
Theo các nguồn tin, năm 2024 Nga sẽ phóng trạm quỹ đạo Luna-26 lên Mặt trăng và năm 2025 là trạm Luna-27. Việc chế tạo các trạm này nằm trong Chương trình nghiên cứu vũ trụ cấp liên bang hiện tại cho đến năm 2025.
Ngoài ra, trong năm 2027-2028 dự định sẽ phóng trạm vũ trụ hạng nặng Luna-28 lên Mặt trăng để lấy mẫu đất đá và chuyển về Trái đất, cũng như trạm Luna-29 để đưa tàu tự hành hạng năng lên Mặt trăng. Dự án này hiện chưa được đưa vào bất kỳ chương trình nào.
Trước đó, năm 2018, tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 4 xuất phát từ sân bay vũ trụ Xichang ở phía Tây Nam Trung Quốc ngày 8/12/2018, đã hạ cánh thành công xuống mặt khuất của Mặt trăng. Đây là cuộc đổ bộ đầu tiên của phi thuyền từ Trái đất lên mặt khuất này.
Theo Tân Hoa xã, tàu Hằng Nga 4 có thể đã mang theo hạt giống và trứng tằm. Việc đổ bộ của tàu Hằng Nga 4 lên mặt khuất của Mặt trăng cho thấy, tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành cường quốc về vũ trụ. Vào năm 2013, tàu Hằng Nga 3 là con tàu vũ trụ đầu tiên đáp xuống Mặt trăng kể từ thời “tàu Luna cuối cùng” (tàu Luna 24 của Liên Xô, năm 1976).
Trung Quốc đang cố gắng đuổi kịp Mỹ và Nga trong cuộc chạy đua vào vũ trụ, để đến năm 2030 trở thành cường quốc trong lĩnh vực này. Vào năm 2019, Trung Quốc bắt đầu công việc xây dựng trạm vũ trụ. Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc cũng có thể thực hiện sứ mệnh tàu nghiên cứu có phi hành đoàn lên Mặt trăng và gửi xe tự hành lên sao Hỏa sau năm 2020.
Theo Infonet