Ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 từ tuyến biên giới

14/09/2020 - 06:31

 - Kể từ đợt dịch COVID-19 bùng phát lần 2, các địa phương có đường biên giới càng tăng cường siết chặt quản lý trên tuyến biên giới giáp Campuchia. Song song đó, hoạt động phòng, chống dịch bệnh từ trong nội địa cũng được tăng cường.

Kiểm soát chặt chẽ

Trên địa bàn huyện Tri Tôn (An Giang), có 2 xã giáp với huyện Kirivong (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia) là Vĩnh Gia và Lạc Quới. Do không có cửa khẩu chính nên người dân 2 bên biên giới qua lại theo đường mòn, lối mở khá nhiều. Từ khi có quy định kiểm soát chặt biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan, 18 chốt chặn dọc theo tuyến biên giới huyện Tri Tôn được dựng lên, gồm 9 chốt chặn tại xã Vĩnh Gia (7 người/chốt) và 9 chốt chặn ở xã Lạc Quới (6 người/chốt), do 3 lực lượng: Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân sự phối hợp và tổ chức trực 24/24 giờ.

Ngoài ra, huyện Tri Tôn còn thành lập 2 chốt quân báo và 1 chốt cơ động. Các lực lượng ở chốt chặn kiểm soát chặt chẽ người qua lại tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường mòn, lối mở. Tất cả các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia đều được đưa vào cách ly tập trung 14 ngày.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện thường xuyên tiến hành giám sát các xã, thị trấn trên địa bàn huyện về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kiểm tra các cơ sở cách ly tập trung, đặc biệt chú trọng kiểm tra tuyến biên giới, đồng thời thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các chiến sĩ tại các chốt trên tuyến biên giới. Các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện thường xuyên đến thăm hỏi, hỗ trợ đèn năng lượng mặt trời, thực phẩm, nhu yếu phẩm để các cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ.

Tại huyện Tịnh Biên (An Giang), địa phương có tuyến biên giới dài 18,75km, tiếp giáp với 3 huyện: Kirivong, Koandet và Praychosa (tỉnh Takeo), công tác tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới được thực hiện chặt chẽ, nhất là các đường mòn, lối mở. Tuy nhiên, thời điểm này đang chuẩn bị bước vào mùa nước nổi, hoạt động buôn lậu, vượt biên trái phép bằng đường thủy phức tạp hơn.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện Tịnh Biên đang triển khai xây dựng các chốt vượt lũ. Diện tích mỗi chốt rộng gần 30m2, được thiết kế theo mô hình nhà sàn, khung gỗ tràm, vách và mái làm bằng tole. Chốt còn có bếp ăn, kê được 2 giường ngủ, được lắp đặt cột thu lôi chống sét, đèn năng lượng mặt trời nhằm đảm bảo an toàn, cũng như phục vụ sinh hoạt cho các lực lượng làm nhiệm vụ.

Nâng cao ý thức người dân

Ở một số huyện trên địa bàn tỉnh, trọng điểm là vùng Bảy Núi, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đang chuẩn bị đón mừng lễ Sene Dolta, một trong những lễ quan trọng nhất trong năm (mùa Dolta năm nay diễn ra ngày 27, 28, 29-9-2020). Dịp này, những người con xa xứ đều trở về quây quần cùng gia đình, mang lễ vật đến chùa lễ Phật và nhờ các sư cầu siêu cho những người quá cố. Để hạn chế tập trung đông người, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và phật tử đón lễ gọn nhẹ, đơn giản, tiết kiệm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, huyện đã ban hành nhiều văn bản triển khai các công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, song song với ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, triển khai thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Cùng với tuyên truyền cổ động trực quan (chạy chữ 4 khung chữ đèn led tại các cổng ngã tư của thị trấn Tri Tôn suốt 24/24 giờ; treo 140 băng-rôn; dựng 7 cụm pa-nô cố định; tuyên truyền bằng xe lưu động…), huyện thực hiện phát thanh, truyền thanh tối thiểu 2 lần/ngày bằng tiếng Việt và tiếng Khmer vào lúc 9 giờ sáng và 15 giờ chiều với thời lượng 60 phút/buổi.

Ông Giang cho biết, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng khai báo NCOVI, Bluezone, tờ khai y tế nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân tự nguyện khai báo, cung cấp thông tin dịch bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Thông qua các hệ thống này, người dân được cập nhật thông tin kịp thời, chính xác, được hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây nhiễm và được hỗ trợ y tế kịp thời khi gặp sự cố bất thường về sức khỏe. Đồng thời, phục vụ cơ quan quản lý phát hiện và có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, UBND huyện Tri Tôn đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra trên nhiều lĩnh vực trong phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, đã kiểm tra được 619 vụ, phát hiện 58 vụ vi phạm, trong đó nhắc nhở 33 trường hợp, xử phạt 25 trường hợp (23 trường hợp không đeo khẩu trang; 2 trường hợp sử dụng mạng xã hội đăng tin gây hoang mang trong nhân dân). Qua đó, xử phạt tổng số tiền 27,1 triệu đồng. Tri Tôn cũng đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tạm dừng tổ chức các lễ hội văn hóa, hoạt động thể thao, các dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn huyện, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

NGÔ CHUẨN