Người thầy đặc biệt
Người thầy đặc biệt, Trung úy Vì Văn Liêm, cán bộ Đồn biên phòng Mường Lạn, giảng dạy cho các học viên.
Tại bản Pu Hao, xã Mường Lạn dù ban ngày bận rộn lên nương, nhưng đúng 19 giờ 30 phút, những học sinh "đặc biệt" lại í ới gọi nhau đến lớp. Nói là đặc biệt bởi thầy giáo mang quân hàm xanh, còn học sinh trẻ nhất chừng 10 -11 tuổi, người lớn tuổi nhất trên 50 tuổi. Có gia đình cả vợ chồng, con cái đều theo học. Các học sinh nơi đây quanh năm chỉ quen cầm dao, cầm cuốc, bàn tay chai sần, thô ráp, nay cầm bút thấy gượng gạo, cố gắng uốn nắn theo từng nét chữ.
Tiếng đánh vần “ê, a” của các học sinh phá vỡ không gian tĩnh lặng của vùng cao về đêm. Chứng kiến một buổi học mới thấy hết được nỗi khát khao được học “con chữ”. Chị Giàng Thị Dung (hơn 30 tuổi) chia sẻ, do trước đây không được đi học, chị không biết chữ và không biết nói tiếng phổ thông. Khi biết Bộ đội Biên phòng về bản mở lớp dạy xóa mù và phổ biến kiến thức, chị đã xin đi học để thay đổi cuộc sống. Tham gia lớp học, chị luôn được gia đình hỗ trợ và ủng hộ.
Các học viên tại lớp học xóa mù cho đồng bào vùng biên do Đồn Biên phòng Mường Lạn tổ chức.
Trong thời gian theo học, các học sinh được dạy các kỹ năng cơ bản về: nghe, nói, đọc, viết và một số phép tính cơ bản. Cùng với việc dạy chữ xóa mù, các thầy giáo quân hàm xanh còn kết hợp tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách phòng, chống bệnh cho đàn gia súc. Kết thúc khóa học, 100% học viên biết đọc, biết viết, biết sử dụng các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản… Qua đó, giúp đồng bào nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực trong bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Trung úy Vì Văn Liêm, cán bộ Đồn biên phòng Mường Lạn cho biết, khó khăn bước đầu để tổ chức lớp học là công tác tuyên truyền, vận động người mù chữ đến lớp. Bởi vì nhận thức của bà con ở đây còn hạn chế, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong quá trình giảng dạy, do độ tuổi học sinh chênh lệch, anh phải hướng dẫn tỉ mỉ, sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, gần gũi. Việc đến lớp học đã giúp bà con nhân dân hiểu rõ được tầm quan trọng của việc học chữ. Khi đã đọc và viết được, bà con sẽ dễ dàng tiếp thu các thông tin cần thiết về phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình.
Hành trình bám bản
Giờ học thể dục của cô giáo Lường Thị Hồng và các học sinh tại điểm trường Nong Phụ (Trường mầm non Hoa Phong Lan, huyện Sốp Cộp).
Ở vùng biên Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, để trẻ em biết chữ, giáo viên phải mang lớp học đến tận các bản làng xa xôi. Cô giáo Lò Thị Hằng công tác tại điểm trường bản Pu Hao (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Lạn), hành trình mang con chữ cho học sinh gian nan không kém. Điểm trường cách nhà hơn 50 km, do vậy, phải đến cuối tuần cô Hằng mới trở về nhà. Vì vậy, mọi sinh hoạt hàng ngày đều diễn ra trong căn phòng nhỏ diện tích chưa đầy 10 m2. Điểm trường ở nơi hẻo lánh, nằm xa trung tâm xã nên điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và khó khăn. Có thời điểm mưa lớn đường sạt lở, trơn trượt không thể về nhà, giáo viên phải vào bản xin rau và gạo để duy trì. Ở đây không có chợ nên có tiền cũng không biết mua thực phẩm ở đâu. Gần 15 năm công tác là những chuỗi ngày dài cô Hằng phải sống xa chồng con.
Giờ lên lớp của cô giáo Hà Thị Thâm, Trường mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn.
Cô giáo Lò Thị Hằng chia sẻ, chồng cũng công tác xa nhà. Những lúc con ốm đau đều phải nhờ ông bà trông nom. Nhiều lúc nhớ con rơi nước mắt nhưng vì nhiệm vụ công việc, cô đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, vất vả.
Vượt qua gần 20 km đường đèo dốc cheo leo giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút mới có thể đến được điểm trường Nong Phụ thuộc Trường Mầm non Hoa Phong Lan. Đây được biết đến là một trong những điểm trường khó khăn nhất ở xã Mường Lạn.
Với thâm niên hơn 10 năm công tác ở vùng cao, cô giáo Lường Thị Hồng gần như đã dạy ở hầu hết các điểm trường khó khăn nhất của xã vùng biên này. Trong hành trình bám bản, mỗi khi thấy trời “giở chứng”, hành trang cá nhân của cô Hồng lại có thêm gói xôi, chiếc bánh mì và chai nước lọc. Đó là nguồn năng lượng để giáo viên ở đây lấy sức đi tiếp vì dọc con đường đến trường không có quán ăn. Cô Lường Thị Hồng chia sẻ, công tác ở vùng cao khổ nhất là lúc trời mưa, đường trơn trượt. Các giáo viên phải lấy xích xe máy quấn vào bánh xe để xe đi bám đường hơn. Nếu đi một mình rất vất vả, nên phải có hai người, một người lái, người còn lại ở phía sau đẩy xe.
Đường đến điểm trường Nong Phụ (Trường mầm non Hoa Phong Lan) quanh co, nhiều đèo dốc, trơn trượt.
Cô giáo Tòng Thị Diện, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn cho biết, nhà trường hiện có 18 điểm trường, nơi xa nhất là hơn 25 km. Là bậc học Mầm non nên 100% giáo viên đều là nữ nên rất vất vả. Những giáo viên đang mang thai hay nuôi con nhỏ sẽ được ưu tiên giảng dạy ở những điểm trường gần, thuận lợi hơn. Những giáo viên khác sẽ luân phiên giảng dạy ở các điểm trường khó khăn. Mỗi năm một lần, nhà trường sẽ thực hiện việc luân chuyển giáo viên tại các điểm trường để phần nào giúp giáo viên bớt khó khăn.
Theo TTXVN