Nghề báo!

21/06/2019 - 07:09

 - Lăn lộn với nghề, sống và viết vì chân lý và lẽ phải thì mới thấy rằng, nghề báo không phải là nghề “trải đầy hoa hồng” hay “ngồi chơi xơi nước”. “Máu nghề” đã dạy chúng tôi phải phấn đấu bằng cả trí tuệ và sức lực, đôi khi có cả máu và nước mắt. Khắc nghiệt nhưng vinh quang. Và khi công chúng còn đón nhận, còn tin yêu, khi ấy chúng tôi sẽ còn “cháy hết mình” với nghề.

Nghề của đam mê

Là một trong những nghề đặc biệt và được đánh giá là nguy hiểm. Nghề báo mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng và quan trọng là phản ánh “hơi thở cuộc sống”, đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng, tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Có thể khẳng định, báo chí cách mạng phải mang tính tiên phong, định hướng trong cuộc sống. Báo chí cách mạng còn là vũ khí đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng và tác động sâu xa đến đời sống xã hội. Do đó, báo chí cách mạng phải giữ vị trí tiên phong, mở đường, truyền bá những tư tưởng và tri thức tiến bộ. Chẳng phải vì thế mà khi sinh thời Bác Hồ vẫn luôn dạy rằng: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”.

Phóng viên tác nghiệp

Hôm nay, dành trang viết này để “chúng tôi nói về nghề của chúng tôi” nhiều hơn. Không phải để khoe hay chứng tỏ bản lĩnh, chúng tôi chỉ mong nhận được sự đồng cảm từ bạn đọc - những người đã truyền cảm hứng cho mỗi tác phẩm báo chí của chúng tôi. Nghề báo dù khó khăn, vất vả đến mấy chúng tôi vẫn biết mình phải sống và cống hiến hết mình để mỗi tác phẩm báo chí đến tay bạn đọc bằng sự chân thật, chính xác và sống động nhất.

Lắm lúc, chúng tôi nghe có người bảo là “chữ nghĩa đâu mà viết được mãi thế”. Vâng, cái chúng tôi viết và phản ánh chính là “nhịp sống và hơi thở” về những con người, về bức tranh muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Khi guồng quay cuộc sống lăn tròn, chúng tôi sẽ mãi chuyển động không ngừng nghỉ. Có người hỏi: “Sao lại chọn nghề vất vả thế?”. Với chúng tôi, chỉ có cách duy nhất để giải thích đó là, vì niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm với xã hội. Nếu không có đam mê, người phóng viên sẽ không vượt qua những áp lực của nghề, của bản thân và gia đình. Không có đam mê, người làm báo sẽ không có động lực để phấn đấu và sống hết mình cho những “đứa con tinh thần” của mình. Và chỉ có trách nhiệm, chúng tôi mới theo đến cùng sự việc, mạnh mẽ lên án những sai trái, tồn đọng trong xã hội không vì vụ lợi cá nhân. Trách nhiệm với nghề là “ánh sáng” soi đường trên mỗi tác phẩm báo chí. Để mỗi khi cầm bút, người làm báo đặt cho mình câu hỏi: viết cho ai, viết cái gì, viết như thế nào?... Đó là lý do Bác Hồ khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Và chuyện… nữ nhà báo

Nghề báo, một nghề rất đặc thù nhưng với nữ nhà báo, công việc ấy sẽ thế nào? Không ít lần đi cơ sở, tôi bắt gặp ánh nhìn cảm thương, chỉ vì mình là nữ giới mà phải lăn lộn giữa trời nắng đổ lửa hay khi mưa gió để có được tư liệu cho bài viết. Với chúng tôi, “máu nghề” là chuyện… thường ngày. Chúng tôi gọi đó là những trải nghiệm quý với nghề, lăn lộn với thực tế để có cái nhìn chân thật, khách quan nhất cho tác phẩm của mình.

Phóng viên Phạm Thị Hồng Anh (Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang) chia sẻ: “8 năm với nghề - thời gian không dài nhưng đủ để tôi nhận ra bản thân yêu nghề nhiều như thế nào. Vì tính chất công việc, nên tôi đi nhiều, có khi từ sáng sớm đến tối mịt vẫn chưa về. Rồi thì lại lo áp lực công việc lớn, đôi khi tôi “đầu tắt, mặt tối” cả ngày vẫn chưa xong. Về nhà lại ôm theo công việc, đêm hôm thức viết bài đến mờ mắt. Thấy con vậy, mẹ tôi lắm lúc xót và khuyên “cực quá thì ngừng đi”. Nhưng với tôi, đó là niềm vui, là mục tiêu sống của mình. Chỉ cần không đi địa bàn, không lăn lộn với cơ sở khoảng 2 ngày là tôi đã thấy buồn bực, khó chịu! Trời nắng thì không sao nhưng mỗi khi mưa giông đến, thứ mà tôi và đồng nghiệp bảo vệ không phải bản thân, mà chính là đạo cụ, máy quay phim. Có hôm, chúng tôi bị “ướt như chuột lột” nhưng thấy thiết bị ghi hình vẫn an toàn là vui!”.

Mang “hơi thở cuộc sống” đến với bạn đọc

Bàn tròn báo chí, chia sẻ chuyện nghề, động viên nhau vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ dành cho nữ nhà báo của Câu lạc bộ Nhà báo nữ (Hội Nhà báo tỉnh) vì thế được duy trì suốt 2 năm qua. Với chủ đề “Nhà báo nữ với công việc làm báo thời kỳ công nghệ 4.0” - các nữ nhà báo đã cùng nhau trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình công tác và thách thức của nghề trước sự bùng nổ của “kỷ nguyên số” như hiện nay. Thiết nghĩ, đó là “sân chơi” thiết thực để các nhà báo nữ gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ những kinh nghiệm cùng nhau.

Tổng Biên tập Tạp chí Thất Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ Lê Thanh My bày tỏ: “Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, “thế giới phẳng”, điều đó vừa là thuận lợi, vừa là thách thức mỗi người làm báo. Chúng ta không bưng bít thông tin, nhưng thông tin một cách có trách nhiệm, không gây “sốc” và phân tâm cho xã hội. Điều đó cần đến bản lĩnh, lương tâm, trách nhiệm đối với xã hội của mỗi người cầm viết”.

Ngày báo chí cách mạng (21-6) hàng năm là dịp tôn vinh các nhà báo, là dịp các nhà báo tự soi rọi lại chính bản thân mình, từ đó động viên, nhắc nhở phải phấn đấu nhiều hơn nữa để vượt qua những khó khăn của nghề, từ đó có những tác phẩm báo chí hay, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời hơi thở cuộc sống, mang đến cho bạn đọc những thông tin giá trị, bổ ích.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN